Đề nghị bố trí nguồn vốn bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng, vấn đề quy hoạch, tu bổ, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích đã xếp hạng, đang gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai các Kế hoạch thực hiện các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích chậm so với yêu cầu đặt ra, như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận gắn với phát triển du lịch; Quy hoạch chi tiết bảo tồn - tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa quần thể di tích Bà Triệu; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng... nguyên nhân là do thiếu nguồn lực.
Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch do Trung ương ban hành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; ban hành cơ chế đặc thù để thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch do Trung ương ban hành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đề nghị bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Di sản văn hóa cụ thể hơn, như cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích.
Sau khi đi khảo sát và nghe báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, với bề dày truyền thống văn hóa, Thanh Hóa cần nâng cao trách nhiệm trong bảo tồn các di sản văn hóa, thống nhất trong quản lý di sản (2 di tích tại Thọ Xuân có 2 mô hình quản lý khác nhau); quản lý cơ sở kho muối không sử dụng tại Lam Kinh và đền Lê Văn Hưu. Tỉnh cũng cần có sự phối hợp của các nhà khoa học, đánh giá giá trị cần bảo vệ, thiết kế, quy trình cho bảo đảm. Đặc biệt, với di chỉ khảo cổ Đông Sơn, hố khai quật bị ngập nước, cần sớm có giải pháp...
Tăng cường hiệu quả thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Thanh Hóa Hồ Việt Anh cho biết, về cơ bản Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi cả tỉnh; nhiều quy định mới của Luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Mặc dù vậy, theo ông Hồ Việt Anh, quá trình triển khai thực hiện Luật và Nghị định trên địa bàn tỉnh cũng phát sinh những khó khăn, bất cập. Quá trình triển khai, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Luật nhiều nơi chưa sâu rộng nên nhận thức, hiểu biết về Luật của cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo tại địa phương chưa đầy đủ. Có cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất về một số từ ngữ mới trong Luật như chức sắc, chức việc, địa điểm hợp pháp, tổ chức tôn giáo trực thuộc...
Việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng còn một số hạn chế do cơ chế chính sách. Trước đây, công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đã đưa vào danh mục kiểm kê di tích do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện; các cơ sở tín ngưỡng còn lại hầu hết do chính quyền địa phương quản lý, nên có lúc, có nơi còn buông lỏng.
Sở Nội vụ Thanh Hóa kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo có văn bản hướng dẫn, thống nhất một số từ ngữ về cơ sở tín ngưỡng, công trình tôn giáo…; thống nhất quy định về đất đai, tránh mỗi địa phương hiểu và thực hiện khác nhau.
Ghi nhận các kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát mong muốn tỉnh quan tâm giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện kéo dài liên quan đến nhu cầu của chủ sở hữu di tích, và việc áp dụng thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phát huy nguồn lực của các tôn giáo đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
+ Cùng ngày, Tổ công tác số 2 của Đoàn giám sát tại Thanh Hóa do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Xuân Phương làm Tổ trưởng, đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Sở Nội vụ (về công tác Thanh niên) và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa.