Cùng dự có: lãnh đạo tỉnh Bình Phước, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các thành viên Đoàn giám sát.
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Bình Phước cho biết, trong thời gian qua, bám sát Nghị quyết số 19-NQ/TW, UBND tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nội dung theo quy định để sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm chất lượng, xác định được nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện. Việc thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức, đơn vị được thực hiện bảo đảm theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sau sắp xếp, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đến năm 2023, số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã giảm 95 đầu mối so với năm 2015, đạt tỷ lệ 15,5%, vượt chỉ tiêu giảm 10% được Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra. Số lượng biên chế sự nghiệp năm 2023 giảm so với năm 2015 là 2.261 người, chiếm tỷ lệ 10,4%.
Đại diện tỉnh Bình Phước cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy, một số cơ quan, đơn vị chưa thể hiện quyết tâm cao, có việc còn chung chung, chưa rõ thời gian thực hiện, nhất là những việc cần phải triển khai ngay. Các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền chưa cụ thể; tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ vẫn còn chồng chéo, trùng lắp; việc kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, một số nội dung quan trọng về tổ chức bộ máy, về công tác cán bộ phải triển khai thực hiện từ đầu năm 2018, trong khi một số quy định, hướng dẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định mới để thống nhất thực hiện. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế chưa được thống nhất giữa các văn bản chỉ đạo và tình hình thực tế của địa phương. Việc xã hội hóa một số lĩnh vực chưa đạt được yêu cầu và mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, đô thị...
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Phước xác định đổi mới cơ chế hoạt động và quản lý tài chính là điều kiện quan trọng để nâng cao chất hoạt động của các đơn vị. Do đó, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, khóa tập huấn để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công, qua đó, nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức và hành động của từng cấp, từng ngành, địa phương.
UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành Danh mục sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; bổ sung biên chế sự nghiệp còn thiếu so với định mức quy định cho tỉnh, nhất là biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế. Sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản liên quan đến khuyến khích, xã hội hóa, tự chủ trong đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của tỉnh Bình Phước trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; ghi nhận tỉnh đã có nhiều điểm sáng trong thực hiện yêu cầu nhiệm vụ đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị.
Qua các báo cáo và ý kiến cụ thể tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tỉnh Bình Phước nghiên cứu, giao chỉ tiêu tinh giảm đầu mối, tinh giản biên chế phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, đơn vị và phù hợp với khả năng xã hội hoá dịch vụ công trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu; các kiến nghị của địa phương sẽ được Đoàn nghiên cứu, đánh giá, báo cáo các cơ quan chức năng theo đúng thẩm quyền.