Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng cho biết, thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19-NQ/TW, qua 5 năm triển khai, ngành y tế thành phố đã sắp xếp, thu gọn đầu mối các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc, giảm từ 94 đầu mối xuống còn 78 đầu mối. Tổ chức bộ máy của ngành được kiện toàn theo hướng tinh gọn, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị trực thuộc.
Đồng thời, thực hiện chấm dứt việc sử dụng lao động hợp đồng để làm công việc chuyên môn có tính chất thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính); không thành lập mới các tổ chức; thực hiện nghiêm việc tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động.
Sở Y tế thành phố đã thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức; tiêu chuẩn ngạch của công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, bảo đảm đúng thẩm quyền, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và công khai, công bằng, khách quan.
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao, áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư phát triển, tăng nguồn thu của đơn vị so với giai đoạn trước khi tự chủ, từ đó từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: giá thu khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng dịch vụ y tế và làm cho bệnh viện không có nguồn tài chính bền vững; tiền lương và thu nhập cho nhân viên y tế chưa hợp lý, chưa thu hút, khuyến khích, động viên người lao động nên một số bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao đã chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi giá thu khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ chi phí, thì hầu hết các bệnh viện đều gặp khó khăn trong việc chi trả thu nhập tăng thêm, chi khen thưởng, phúc lợi cho viên chức, người lao động và tạo lập nguồn để nâng cấp, cải tạo, xây mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng tài sản công và cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xem xét tăng định mức số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách theo quy mô, cơ cấu dân số cho UBND TP. Hồ Chí Minh để bố trí cho Trung tâm Y tế và Trạm Y tế.
Đồng thời, sớm ban hành giá dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh có tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí và văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá khám, chữa bệnh để các bệnh viện có đủ nguồn tài chính lành mạnh, bảo đảm cung ứng các dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần tăng sự hài lòng của người dân.
Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đánh giá cao sự phối hợp của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh trong hoạt động giám sát và công tác chuẩn bị báo cáo; ghi nhận những kết quả ngành y tế thành phố đạt được trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Sở Y tế tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ một số nội dung, số liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát; các kiến nghị sẽ được Đoàn tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.