Trường Tiểu học Lộc Quang nằm trên địa bàn xã Lộc Quang của huyện biên giới Lộc Ninh, thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước - địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trường có 918 học sinh và 28 lớp, với 46 cán bộ, giáo viên và người lao động.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Phạm Văn Thầu cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt chương trình; xây dựng kế hoạch phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể để huy động sự hỗ trợ các nguồn lực nhằm tuyên truyền đổi mới giáo dục; tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên tích cực tìm hiểu chương trình, tham gia nghiêm túc các lớp bồi dưỡng modul của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước tổ chức; chỉ đạo tiếp cận và thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy - học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Hàng năm, nhà trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh kiểm tra, đánh giá công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Bên cạnh đó, nhà trường nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như giá sách giáo khoa mới khá cao gây nhiều khó khăn cho phụ huynh, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình triển khai chương trình mới, các giáo viên phải nghiên cứu trên nền tảng trực tuyến gây ra một số khó khăn nhất định.
Khả năng thực hiện nhiệm vụ học tập của một số học sinh dân tộc thiểu số còn hạn chế, thiếu tính tự học, thiếu sự hỗ trợ của gia đình. Một số phụ huynh là người dân tộc thiểu số còn tâm lý ỉ lại, giao "trắng" trách nhiệm giáo dục cho nhà trường.
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại đã chỉ ra, Trường tiểu học Lộc Quang sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sự ủng hộ về mọi mặt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng bổ sung phòng chức năng, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, trang thiết bị cho phòng học bộ môn.
Đồng thời, chuẩn bị đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng, tiếp tục tập trung hỗ trợ giáo viên nghiên cứu, thực hiện và tiếp cận chương trình mới; lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy học lớp 4 năm học 2023 - 2024 để tiến hành tập huấn bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa lớp 4 theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh. Thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn sách khoa theo đúng nguyên tắc và bảo đảm quy trình. Thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Phụ đạo thêm học sinh chưa đạt về năng lực ở học kỳ I năm học 2022-2023.
Trường Tiểu học Lộc Quang kiến nghị cần tiếp tục thực hiện các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng hiệu quả, chất lượng hơn. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao Báo cáo của Trường tiểu học Lộc Quang với những thông tin chi tiết, hệ thống phụ lục rõ ràng, đầy đủ. Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn mà thầy cô nhà trường gặp phải về điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng, tài liệu giảng dạy còn thiếu, giáo viên vừa phải tập huấn vừa phải lên lớp…
Trong quá trình triển khai chương trình mới còn nhiều thách thức nhưng nhà trường đã có sự chủ động trong công tác chuẩn bị. Đây là một trong những tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Trao quyền tự chủ cho nhà trường, giáo viên. Nhấn mạnh nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Trường Tiểu học Lộc Quang cần bảo đảm thực hiện tốt nhất chương trình mới trong phạm vi, khả năng của đơn vị. Các ý kiến, chia sẻ, nguyện vọng của các thầy cô sẽ được Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ.