Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong.
Cảng biển Đà Nẵng nằm trong vịnh Đà Nẵng rộng 12km2 với độ sâu tối đa 21m có thể tiếp nhận tàu hàng lên đến 50.000DWT, tàu container đến 2.800 TEUs, tàu khách có dung tích đến 150.695 tấn (GT).
Cảng có hệ thống giao thông đường bộ khá tốt, nối liền thông suốt với ga hàng không, ga đường sắt; cách Quốc lộ 1A khoảng 15km và dễ dàng kết nối với các tuyến đường 14A, 14B, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất; đặc biệt Cảng Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC).
Hiện thành phố Đà Nẵng cũng xúc tiến đưa vào quy hoạch và đầu tư phát triển mới thêm cảng Liên Chiểu để hình thành các khu cảng chức năng. Khi cảng Liên Chiểu với công suất 50 triệu tấn/năm được xây dựng xong thì hệ thống cảng Đà Nẵng được nối liền với cảng Kỳ Hà, Dung Quất ở phía Nam sẽ trở thành một cụm cảng liên hoàn lớn nhất nước, giữ vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Cảng biển Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) thuộc nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3), về lâu dài có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, bao gồm các khu bến: Tiên Sa, Thọ Quang, Mỹ Khê và Liên Chiểu. Về hiện trạng cầu, bến cảng tại cảng biển Đà Nẵng bao gồm 11 bến cảng/bến phao.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTG ngày 22.9.2021, giai đoạn sau năm 2030, bến cảng biển Tiên Sa sẽ được chuyển đổi thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu.
Trên địa bàn Đà Nẵng gồm có 7 tuyến đường thủy nội địa đang tổ chức khai thác với tổng chiều dài 63,2km, trong đó gồm 19,9km đường thuỷ nội địa quốc gia (gồm 2 sông: sông Hàn, sông Vĩnh Điện) và 43,3km đường thuỷ nội địa địa phương (gồm 5 sông: sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ, sông Tuý Loan, sông Yên, sông Quá Giáng). Tuy nhiên, các tuyến đường thủy nội địa chủ yếu phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ chưa được kết nối với cảng biển Đà Nẵng, một phần do độ sâu tuyến luồng thủy nội địa và tĩnh không của các cầu bắc ngang sông Hàn, các sông khác tại địa bàn thành phố hạn chế.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng Trịnh Thế Cường cho biết, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và an toàn hàng hải nói riêng, thời gian qua, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng đã chủ động tham mưu cho Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Đà Nẵng đã triển khai các nội dung, giải pháp về bảo đảm an toàn hàng hải.
Theo đó, trong 5 năm qua, tình hình an toàn hàng hải trong vùng nước cảng biển được bảo đảm ổn định, ít có vấn đề nổi cộm xảy ra; hoạt động vận tải đường biển được thông suốt, nhất là qua thời gian dịch Covid-19, đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông hàng hóa; công tác kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm về an toàn hàng hải đã được chỉ đạo sâu sát; tai nạn hàng hải liên tục được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí, không có vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn.
Kết quả từ 2018 - 2023 tại cảng biển Đà Nẵng chưa để xảy ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại về người và tài sản (các doanh nghiệp cảng, kết cấu hạ tầng hàng hải khác, tàu thuyền...) do ảnh hưởng của thiên tai.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cũng còn những bất cập, hạn chế. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cho biết: địa bàn quản lý với 11 bến cảng tại nhiều khu vực (Mỹ Khê, Tiên Sa, Liên Chiểu), cơ sở vật chất chưa đồng bộ, đặc biệt mật độ tàu thuyền vào, rời cảng ngày càng tăng cao tại khu vực Liên Chiểu, do các phương tiện thủy nội địa vào phục vụ thi công dự án cảng Liên Chiểu dài ngày.
Không có các khu neo đậu trú bão (tại khu vực cảng biển Đà Nẵng có 3 neo đậu chờ cầu, chờ luồng kết hợp tránh bão)cho các phương tiện đặc biệt khi có các diễn biến bất lợi của thời tiết cũng như nhận thức pháp luật hàng hải của một bộ phận thuyền viên trên các phương tiện thủy nội địa, thuyền viên trên các tàu cá còn hạn chế dẫn đến nhiều thách thức trong công tác giám sát, quản lý thực tế để bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại vùng nước cảng biển.
Thủ tục điện tử đối với phương tiện thủy nội địa chưa được thực hiện như tàu biển theo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) năm 2023 nên cần xây dựng cơ sở dữ liệu để bảo đảm cho việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Giải trình nguyên nhân của những hạn chế, theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, là do một số quy định của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trên biển của các ngành hàng hải, đường thủy nội địa, thủy sản còn chồng chéo, bất cập (ví dụ việc áp dụng quy tắc tránh va trên biển chưa đồng bộ) dẫn đến nguy cơ tai nạn hàng hải. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, nhất là tàu thuyền cá và phương tiện thủy nội địa.
Ngoài ra, còn do cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển như đường bộ, đường thủy, đường sắt… còn hạn chế do cảng nằm trong thành phố; hoạt động của các tàu cá ra, vào âu thuyền, cảng, bến thủy nội địa đều cắt ngang tuyến luồng hàng hải, gây tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hàng hải.
Qua đó, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng kiến nghị, Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo toàn diện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, hàng hải. Xem xét, chấp thuận lập kế hoạch sửa đổi Bộ luật Hàng hải Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng trong thời gian tới.
Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành thông qua đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.
Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam bố trí kinh phí nạo vét duy tu luồng hàng hải hàng năm bảo đảm duy trì độ sâu khai thác tuyến luồng hàng hải và độ sâu trước bến. Kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng dự án bến cảng Liên Chiểu. Tiếp tục quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố, nhất là ở tuyến đường kết nối với cảng; trong đó ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các quốc lộ.
Bố trí đất phục vụ xây dựng trụ sở làm việc của Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng tại Liên Chiểu. Bố trí kinh phí đầu tư đường điện lưới cho đèn biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà phục vụ cho chiến lược phát triển biển đảo của thành phố.
Sau khi nghe báo cáo, kiến nghị từ Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho rằng, Cảng vụ cần phân định rạch ròi hơn nữa các khu bến, đê chắn sóng; các khu neo đậu kết hợp tránh bão; các tuyến luồng hàng hải; hệ thống điều phối giao thông hàng hải (VTS); hạ tầng giao thông kết nối...; tác động của việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn hàng hải đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng...
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An đề nghị Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cho xem thực tế rõ nét về hệ thống giám sát VTS do Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư, xây dựng và Hệ thống AIS (phần mềm Quản lý tàu trên nền tảng website) do Vishipel cung cấp, phục vụ công tác giám sát, điều phối giao thông hàng hải; đề nghị Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng chú trọng hơn nữa công tác hoa tiêu.
Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền đề nghị Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng luôn phải đặt công tác bảo đảm an toàn hàng hải là trên hết.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng ghi nhận và đánh giá cao công tác bảo đảm an toàn hàng hải của cảng Đà Nẵng, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng trong nhiều năm qua; đề nghị Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cần khắc phục những bất cập, hạn chế đã chỉ ra và tổng hợp đầy đủ kiến nghị gửi Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.