Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Trần Văn Ẩn cho biết, đến nay, Quảng Nam đã ban hành trên 600 văn bản tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến tháng 6.2023, Quảng Nam có 117/193 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 60,62%; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mới, 214 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Công tác giảm nghèo được tỉnh quan tâm với các giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nguồn lực và thực trạng nghèo của địa phương. Tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu đề ra hàng năm. Năm 2021 giảm 3.156 hộ nghèo/2.000 hộ theo chỉ tiêu giao, vượt 158% so với kế hoạch đề ra; năm 2022 giảm 3.981 hộ nghèo/3.000 hộ nghèo theo chỉ tiêu giao, vượt 132,7% so với kế hoạch đề ra. Trong 2 năm (2021 - 2022), Quảng Nam đã hỗ trợ, tạo việc làm hơn 19 nghìn lao động, giúp gần 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập. Xây dựng, cải tạo hơn 36 nghìn công trình nước sạch hợp vệ sinh…
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần chưa triển khai thực hiện được trong năm 2022, như nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm.
Cho rằng các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập trên địa bàn Quảng Nam. Đoàn giám sát ghi nhận, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm của Quảng Nam đạt 3%, riêng năm 2022 là 10,04%. Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra, hầu hết các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 không bảo đảm duy trì các tiêu chí đạt chuẩn. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ giải ngân của Quảng Nam đạt rất thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo tại 5/6 huyện nghèo tăng, cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững.
Một số thành viên Đoàn giám sát lưu ý, việc Quảng Nam ban hành 600 văn bản là quá nhiều, có gây lúng túng gì cho cơ sở khi triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hay không? Đồng thời đề nghị, tỉnh cần đánh giá thêm về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Nam, Văn phòng điều phối thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Và, vì sao chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân thoát nghèo bền vững?
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh hoan nghênh Quảng Nam đã có sáng kiến thành lập Văn phòng điều phối chung các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện. Đây là kinh nghiệm hay cần được xem xét, phát huy. Tới đây, Quảng Nam cần khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ - CP ngày 19.4.2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, Quang Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia. Làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nguồn vốn đối ứng; đồng thời sớm có cơ chế huy động các nguồn lực khác để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Lập danh mục tổng hợp khó khăn, vướng mắc trên cơ sở rà soát lại việc thực hiện các nội dung trong Công điện số 71/CĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.