Phó Trưởng đoàn chuyên trách Trần Đình Gia và Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh Võ Văn Phúc đồng chủ trì hội nghị…
Cùng dự có các ĐBQH: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu; cùng đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh…
Báo cáo của cơ quan giúp việc Đoàn ĐBQH cho thấy, sau gần 12 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng và Hiến pháp năm 2013; mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp Quốc hội sắp tới gồm 08 chương và 116 điều, cụ thể như sau: Những quy định chung (09 điều); Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra (27 điều); Thanh tra viên (06 điều); Hoạt động thanh tra (57 điều); Thực hiện kết luận thanh tra (06 điều); Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (05 điều); Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra (03 điều); Điều khoản thi hành (03 điều).
Tại hội nghị đã có 13 ý kiến thảo luận của các đại biểu, cơ bản thống nhất với hình thức và bố cục của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)... Việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Có ý kiến cho rằng, cần quy định rõ phạm vi thanh tra của các cơ quan thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước, tránh sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; có chế tài cụ thể trong tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra; các đại biểu cũng đề xuất cần hoàn thiện các quy định về hoạt động thanh tra, hình thức thanh tra, hệ thống thanh tra, tiêu chuẩn của thanh tra viên, bộ máy thanh tra cấp huyện, cấp sở ngành...
Kết luận Hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu vào dự thảo luật. Các ý kiến góp ý tại hội nghị sẽ được đoàn tổng hợp trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV.