Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 86 điều, Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước dưới đất, dưới đáy biển và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Các đại biểu đã góp ý bổ sung, phân tích để làm rõ các vấn đề đối với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) như phạm vi điều chỉnh; Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước; Các hành vi bị nghiêm cấm; Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh; Về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; hành lang bảo vệ nguồn nước; ngưỡng khai thác nước dưới đất…Có ý kiến đề nghị, Bộ Y tế quan tâm đến các nội dung về chất lượng nguồn nước; Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đến việc khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước; Bộ Tài chính quan tâm đến mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng nguồn nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Kim Bé đánh giá cao ý kiến của đại biểu đóng góp vào dự thảo luật.Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu, Đoàn ghi nhận và sẽ tổng hợp để gửi Quốc hội xem xét, hoàn chỉnh dự thảo luật trong thời gian tới.