Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé; ĐBQH Nguyễn Việt Thắng, Bí thư Huyện uỷ U Minh Thượng; ĐBQH Lý Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; ĐBQH Châu Quỳnh Dao, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, THPT tỉnh Kiên Giang dự cuộc làm việc.
Cùng dự có Ban lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh và đại diện lãnh đạo Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, các ĐBQH đã nghe báo cáo tình hình hoạt động của ngành ngân hàng tỉnh 9 tháng năm 2023, các ý kiến đóng góp về dự án Luật Các tổ chức tín dụng và các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh trước Kỳ họp 6, Quốc hội Khóa XV.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ngô Hồng Phước, 9 tháng đầu năm, trên cơ sở các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước giảm liên tục 4 lần với mức giảm 0,5-2,0%/năm và các giải pháp thực hiện tại địa phương, đến nay, mặt bằng lãi suất trên địa bàn đã có xu hướng giảm (mức giảm 0,7-1,9%/năm). Các chi nhánh Tổ chức tín dụng cam kết giảm lãi suất (mức giảm 0,3-2%/năm) với tổng tiền lãi được giảm 18,4 tỷ đồng/ tổng giá trị nợ 3.754 tỷ đồng. Sơ bộ đến 30.9.2023, dư nợ tín dụng đạt 120.923 tỷ đồng, tăng 6,01% so cuối năm 2022, tăng 14,09% so cùng kỳ. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng theo các Chương trình tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội đạt 5.536 tỷ đồng, tăng 11,95% so cuối năm, tăng 20,14% so cùng kỳ.
Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện công tác cung ứng tiền mặt, thanh toán, dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động; quảng bá, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh có 361 máy ATM, 3.259 máy POS, hơn 1.476 nghìn thẻ đang lưu hành và 1.578 nghìn tài khoản đang hoạt động.
Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để duy trì tổng cầu nội địa (hiện tại chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện đến hết ngày 31.12.2023); có chính sách tín dụng đối với công chức, viên chức; xem xét kéo dài thời gian triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% (theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP) đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đến hết 31.12.2024 đối với nhu cầu vốn có mục đích thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ; kiến nghị bố trí ngân sách nhà nước cho nguồn ngân sách cấp bù cho các Tổ chức tín dụng được chỉ định (hiện nay là 4 ngân hàng thương mại nhà nước) triển khai cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội quy định tại Nghị định số 100/2015/NQĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ; phối hợp cùng với gói 120.000 tỷ đồng (chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại) nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Đề nghị Chính phủ xây dựng mới Nghị định về chính sách phát triển thủy sản thay thế Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, trong đó có cơ chế khoanh nợ đối với dư nợ cũ và cho vay mới tạo điều kiện cho chủ tàu chuyển đổi ngành, nghề.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé ghi nhận những kiến nghị của Ban giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Kiên Giang và các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Đoàn ĐBQH sẽ tập hợp các kiến nghị để gửi Quốc hội, Chính phủ xem xét, tháo gỡ tại Kỳ họp 6, Quốc hội Khóa XV.