Tại buổi tiếp xúc, cử tri cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết một số tồn tại, bất cập. Qua đó, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng (trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung); mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quy định quản lý thu, đóng; giải quyết vấn đề về hưu trí và thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần...
Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; các quy định về quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc… Đồng thời, đề nghị mở rộng thêm chế độ của chính sách bảo hiểm tự nguyện (chế độ thai sản và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động); tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động; bổ sung quy định xử lý triệt để đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc...
Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đã thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thông tin tới cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 9 Dự án Luật, xem xét thông qua 2 nghị quyết, thảo luận về 8 Dự án Luật; xem xét quyết định các vấn đề về kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát, các vấn đề quan trọng khác…
Khẳng định dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một nội dung rất quan trọng, sẽ góp phần khắc phục được những bất cập trong thực tiễn, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của cử tri để gửi tới Quốc hội trong chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Sáu cũng như các cơ quan chức năng liên quan theo quy định.