ĐBQH Nguyễn Hữu Thông đề nghị, Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến điện ảnh, bảo đảm việc sản xuất, vốn, đầu tư thích đáng bằng cơ chế như cho vay lãi suất thấp để sản xuất phim cho thiếu nhi và phim lịch sử dân tộc. Đồng thời, bổ sung cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân quảng bá phim Việt Nam. Vì không chỉ mang tính chất giải trí, phim còn là hoạt động kinh tế, doanh thu rất lớn, tạo ra giá trị gia tăng, quảng bá hình ảnh của đất nước, quảng bá du lịch. Thực tế, sau khi bộ phim “Kong” được trình chiếu thì du khách đến Ninh Bình rất nhiều… tạo ra làn sóng du lịch tại địa phương. Vì vậy, trong quá trình sản xuất phim, cần tăng cường quảng bá hình ảnh của Việt Nam.
Cho rằng sửa đổi Luật Điện ảnh là phù hợp, đại biểu Đặng Hồng Sỹ thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội. Theo đó, về sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước; đại biểu thống nhất với Phương án 2, nhằm tạo sự bình đẳng giữa các nhà làm phim trong nước và nước ngoài, có đấu thầu để chọn được nhà thầu tốt nhất sản xuất phim.
Một trong những quy định mới tại dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) là Điều 22, giao trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân phân loại phim trên mạng, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng, hiện nay, phim trên mạng rất nhiều, nếu như trường hợp máy chủ đặt ở nước ngoài, kiểm soát rất khó khăn. Do đó, việc phân loại nên có sự phối hợp giữa nhà nước và tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các phim liên quan đến quốc phòng - an ninh… không thể thả lỏng được.
Cũng cho ý kiến về quy định này, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Dương Văn An cho rằng, cầb tính toán lại Điều 22 của dự án Luật. Bởi, Luật quy định tổ chức, cá nhân tự phân loại trên không gian mạng… Điều này đặt ra yêu cầu kiểm nghiệm số lượng phim quá lớn để đáp ứng kịp thời về thời gian, kỹ thuật. Việc làm cho phim trên mạng số lượng lớn, kiểm soát khó khăn, công tác hậu kiểm không còn kịp thời; trường hợp phim đưa lên mạng nhưng người đăng đã xóa thì không thể hậu kiểm được, nhất là hậu kiểm trên mạng càng khó khăn hơn.
Băn khoăn về nội dung tổ chức, cá nhân được quảng cáo thông tin liên quan đến bộ phim trước, trong quá trình sản xuất và phát hành phim theo quy định của pháp luật về quảng cáo, ông Dương Văn An bày tỏ sự băn khoăn đối với những phim có vấn đề nhạy cảm, lịch sử bị sai lệch… Nếu bộ phim chưa được cấp phép mà tổ chức, cá nhân quảng cáo và chuyển tải thông điệp sai lệch sẽ ảnh hưởng đến người xem, ảnh hưởng đến quốc gia. Do đó, đề nghị xem xét lại quy định này, chỉ quảng cáo sau khi được cấp phép phát hành phim; tránh tình trạng bị lợi dụng đưa vào phim những nội dung nhạy cảm, không phù hợp với Việt Nam.
Bên cạnh đó theo quy định tại điều 28 về thẩm quyền cấp phép phân loại phim; UBND tỉnh cũng được cấp phép, phân loại phim đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh của địa phương nhập khẩu. Theo Đại biểu Dương Văn An, phim tài liệu do tổ chức cơ sở của địa phương nhập khẩu cũng có phim nhạy cảm… mà UBND tỉnh cấp phép thì không đủ điều kiện, phân loại, do trước đây phim chiếu tại rạp, tại các cơ sở cố định, còn hiện nay phim được phát hành trên mạng, khi một địa phương phê duyệt, cả nước cùng xem. Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 28 về trình tự, thủ tục cấp giấy phép phân loại phim, rất khó phân loại, thẩm định phim trong 15 ngày làm việc vì có những bộ phim tài liệu nhiều tập, do đó, nên xem xét lại khoản này.
Đối với vấn đề sản xuất phim dùng ngân sách nhà nước, đại biểu Dương Văn An thống nhất với phương án 2, vì cần có môi trường cạnh tranh lành mạnh thông qua đấu thầu hoặc phim tài liệu, phim về chính trị thì giao đặt hàng.