Việt Nam bước vào năm 2020, đánh dấu 75 năm nền độc lập đúng vào thời điểm mang tính bước ngoặt, khi đại dịch Covid-19 đảo lộn toàn bộ nền kinh tế cũng như đời sống xã hội toàn cầu; và cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung bước lên nấc thang mới ở mức độ toàn diện cả về kinh tế lẫn quân sự.
Năm 2020 cũng là thời điểm đánh dấu đất nước đi qua 3 thập kỷ đổi mới, cải cách và mở cửa. Đổi mới, với ưu tiên trọng tâm là tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, xóa đói nghèo, đã đưa đời sống người dân thoát khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Việt Nam trên trường quốc tế, từ một vị thế một nước nghèo, được nhận biết qua cuộc chiến tranh giành độc lập, từng bước trở thành một nền kinh tế đang trỗi dậy.
Vậy 25 năm nữa, vào thời điểm 2045, khi đất nước kỷ niệm dấu mốc tròn một thế kỷ độc lập, một Việt Nam 2045 sẽ như thế nào? Mỗi một quốc gia đều cần có khát vọng, một giấc mơ để tạo cảm hứng và dẫn dắt dân tộc mình phát triển. Một cách thực tế, cá nhân người viết mong đợi Việt Nam 2045 là một cường quốc bậc trung thịnh vượng, với dân số hơn 100 triệu người có ảnh hưởng địa chính trị và chiến lược toàn cầu; thu nhập người dân nằm trong nhóm trung bình cao của thế giới.
Hướng đến mục tiêu đó đồng nghĩa với nhận thức lại và tái định hình giấc mơ về một nước công nghiệp hiện đại và phát triển. Nói cách khác, khát vọng của một đất nước phát triển và thịnh vượng là không thay đổi, nhưng mục tiêu và con đường đi sẽ phải đổi khác. Bởi thời điểm 2020, bối cảnh thế giới đã thay đổi căn bản so với đầu những năm 1990, khi đất nước bước vào cải cách mở cửa và mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đặt ra.
Một thế giới mới, hậu toàn cầu hóa và Covid
Trong 10 năm qua có 3 yếu tố trọng tâm thay đổi thế giới, đồng thời định hình lại bối cảnh phát triển trong nhiều thập niên tới, đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam. Đó là (1) sự bùng nổ của công nghệ số; (2) Trung Quốc trỗi dậy với tham vọng trở thành siêu cường và cạnh tranh chiến lược toàn diện với Mỹ; (3) nóng ấm toàn cầu và biến đổi khí hậu đã trở thành thực tế không thể đảo ngược. Đại dịch Covid 19 đến đúng vào thời điểm giúp đánh dấu các bước ngoặt đó, đồng thời giúp chúng ta nhận thức về bức tranh thế giới mới. Những khó khăn đất nước phải đương đầu là lớn lao, nhưng cũng có thể coi là một một may mắn khi Việt Nam ở trong tâm điểm của cả 3 tiến trình này.
Thế kỷ XXI, từ khá lâu đã được nhận diện là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có dân số khổng lồ và trẻ; nguồn lực và tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế dồi dào; xã hội năng động và cởi mở. Công nghệ số - với điện thoại thông minh kết nối internet, phổ cập rộng rãi mạng xã hội, càng trở nên phù hợp với một châu Á phần lớn là người trẻ, năng động, dễ dàng thích ứng với công nghệ, mà Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines là biểu trưng. Việt Nam cũng là một phần của xu thế đó với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất, thời gian online và sử dụng mạng xã hội hàng ngày nhiều nhất và hoạt động giải trí, mua sắm và làm việc trên môi trường số diễn ra sôi động nhất. Một nền kinh tế số (kinh tế internet, kinh tế dữ liệu) đã và đang hình thành trên toàn cầu, với châu Á - Thái Bình dương là thị trường trọng tâm, là động lực mới của tăng trưởng. Xu hướng mới này đặt trên nền tảng đã hình thành trước đó - các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu từ vài thập kỷ nay cũng lấy châu Á làm trọng tâm - với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á là nơi đặt các nhà máy và công xưởng chính của thế giới.
Một quốc gia hiện đại và phát triển dựa trên công nghệ và dịch vụ số
Một lần nữa, Việt Nam có may mắn ở vào vị thế trung tâm của châu Á - Thái Bình Dương với các xu thế mới đang định hình. Với xu thế và bối cảnh đó, nội dung của tầm nhìn “quốc gia công nghiệp phát triển” nên được thay đổi thành “quốc gia phát triển về công nghệ và dịch vụ số”. Phải nhìn nhận thẳng thắn, khái niệm công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp sản xuất - chế tạo, gắn với các nhà máy, công xưởng, đã không còn phù hợp với Việt Nam. Sẽ thực tế hơn nếu một Việt Nam hiện đại và phát triển của 2045 gắn liền với công nghệ số, dịch vụ số (chứ không phải là công nghiệp sản xuất, chế tạo). Điều này dựa trên 3 thực tế.
Thứ nhất, phải thấy rằng, sau 30 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa bắt đầu từ đổi mới, Việt Nam chưa thành công trong xây dựng nền tảng cho công nghiệp - bao gồm năng lực khoa học và công nghệ phục vụ cho công nghiệp; lực lượng lao động công nhân kỹ thuật cao và ý thức lao động công nghiệp chuyên nghiệp; phát triển thị trường hàng hóa cho sản phẩm công nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nền công nghiệp chúng ta có chỉ dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chỉ giúp giải quyết bài toán lao động - việc làm, chứ không tạo được nền tảng nội lực cho công nghệ, cho nâng cao năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Những hạn chế mang tính nền tảng này sẽ có thể thay đổi trong những thập kỷ tới, cũng khó có thể trông chờ vào một sự đột phá nào đó.
Những thực tế này tương phản với một thực tế thứ 2 - liên quan đến nền tảng cho một nền kinh tế số - dịch vụ số. Dân số Việt Nam là trẻ, năng động và nhạy bén với các công nghệ số mới, dựa trên nền tảng giáo dục phổ cập ở cấp phổ thông tương đối rộng rãi. Thêm vào đó, khác với sự khó khăn khi huy động nguồn lực người Việt có tri thức cao về khoa học, kỹ thuật vốn bị phụ thuộc vào cơ sở vật chất kỹ thuật khi làm việc; lực lượng người Việt ở nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ số có khả năng hợp tác và đóng góp phát triển cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước dễ dàng hơn - giúp tạo thêm nguồn lực dồi dào cho phát triển.
Thứ ba, công nghệ số đã chứng minh được tiềm năng rõ rệt trong việc nâng cao năng suất lao động trong các lĩnh vực được ứng dụng - từ khu vực tư, với mua bán online, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải, giao nhận đến khu vực công với giao dịch hành chính trực tuyến và cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý. Điểm yếu cố hữu về năng suất lao động thấp của Việt Nam có thể được hóa giải nhờ công nghệ số.
Dựa trên những nền tảng đó, công nghệ số với trọng tâm trong một số lĩnh vực gồm dịch vụ và thương mại số; du lịch, y tế và nông nghiệp có thể trở thành động lực tăng trưởng mới cho đất nước. Ba tiềm năng lớn mà công nghệ và dịch vụ số hứa hẹn mang lại[1]: (1) Việc làm mới, năng suất và thu nhập cao hơn trong phục vụ cho cách thức sống và làm việc mới dựa trên công nghệ số (mua sắm số; dịch vụ tài chính số; làm việc từ xa …); (2) đột phá về năng suất và hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ số và kỹ năng mới vào các lĩnh vực hiện có mà Việt Nam có tiềm năng cạnh tranh toàn cầu như dịch vụ y tế, du lịch, nông nghiệp giá trị cao; (3) việc làm mới với thu nhập cao từ dịch vụ số cho thị trường toàn cầu (về dịch vụ an ninh mạng; dịch vụ phần mềm, hay các dịch vụ trong chuỗi giá trị các ngành giải trí, tài chính, thương mại điện tử… toàn cầu).
Công dân số và người lao động của kỷ nguyên số
Giáo dục và đào tạo vẫn là chìa khóa cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên số với mục tiêu kép: chuẩn bị kỹ năng cho người lao động trong kỷ nguyên số và hợp tác toàn cầu; và chuẩn bị cho một thế hệ “công dân số” mới. Có sự đồng thuận rộng rãi với đề xuất Diễn đàn Kinh tế Thế giới về bộ kỹ năng mới của người lao động trong kỷ nguyên số, trong đó nhấn mạnh đến tư duy sáng tạo và phản biện (critical thinking); khả năng tự học và tự đào tạo liên tục của từng cá nhân. Kiến thức không còn là điều quan trọng, thay vào đó kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm để tự học và thích ứng mới là điều cần thiết. Điều này gợi ý một chiến lược đột phá cho nền giáo dục Việt Nam - liệu có thể thay đổi chương trình đào tạo theo hướng rút ngắn thời gian học phổ thông hệ 12 năm hiện nay để sớm đưa công dân trở thành lao động trẻ làm việc gắn với học hỏi kỹ năng? Chương trình học tập trung từ truyền thụ kiến thức và tri thức hiện nay sẽ trở thành chương trình trang bị kỹ năng mới. Và phương thức giáo dục vốn dựa trên trường công và đào tạo chính quy như hiện nay chuyển đổi sang hợp tác công tư với các doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào kết hợp cung cấp dịch vụ giáo dục như STEM, kỹ năng số, bộ kỹ năng mềm (tư duy, sáng tạo, phản biện, tự đào tạo…)
Một “Việt Nam số” của 2045, tâm điểm của châu Á - Thái Bình Dương năng động và thịnh vượng, với công nghiệp và dịch vụ số phát triển có thể đáp ứng khát vọng thịnh vượng và một cường quốc bậc trung; giải quyết được những thách thức kép về một Trung Quốc đang trỗi dậy và biến đổi khí hậu đe dọa toàn cầu, đe dọa đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải ven biển. Tầm nhìn đó bắt đầu từ hôm nay, từ nhận thức lại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và định hình một “giấc mơ” mới.
____________
[1] Trong báo mới của Công ty tư vấn McKinsey về Ấn Độ có tựa đề “ Ấn Độ ở thời điểm bước ngoặt - Nghị trình mới cho tăng trưởng kinh tế và việc làm, công bố tháng 8.2020, gợi ý 3 động cơ mới cho tăng tưởng nhờ vào công nghệ và dịch vụ số gồm: (1) Ấn Độ trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ số toàn cầu; (2) nâng cao năng suất và hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ trong các ngành kinh tế hiện có; (3) cơ hội kinh doanh mới từ cách thức làm việc và lối sống mới. Việt Nam có những đặc thù tương tự Ấn Độ trong các cơ hội mới này.