“Quyết định nào cũng có lý lẽ của nó!”
- Mỗi khi đề cập đến điện hạt nhân luôn có những quan điểm khác nhau. Hiện đã có bên nào “thắng thế” chưa, thưa Giáo sư?
- Điện hạt nhân ở Việt Nam cũng như trên thế giới luôn có 2 trường phái khác nhau. Một là ủng hộ, vì người ta cho rằng đây là loại năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Hai là phản đối, bởi nếu không cẩn thận xảy ra sự cố hạt nhân thì hậu quả rất xấu.
Hiện vẫn chưa phân biệt bên nào “thắng thế”. Một số nước vẫn phát triển điện hạt nhân và cho đó là giải pháp hợp lý nhất để phát triển năng lượng. Ví dụ Anh Quốc có một loạt dự án điện hạt nhân đã được thông qua và sẽ xây dựng trong tương lai.
Ở Việt Nam, điện hạt nhân là câu chuyện nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự và quyết định nào cũng có lý lẽ của nó! Khi đưa ra quyết định, lãnh đạo cao nhất chắc chắn đã nghiên cứu kỹ lưỡng về mọi mặt. Và gần đây, như tôi biết, trong quy hoạch điện VIII cũng đề cập khả năng nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai để bảo đảm cung cấp năng lượng cho Việt Nam.
- Theo Giáo sư, chúng ta có nên đề cập khả năng nghiên cứu phát triển điện hạt nhân vào thời điểm này hay không?
- Theo tôi, việc nghiên cứu chu đáo về điện hạt nhân là cần thiết. Bởi nói cho cùng, trong tương lai, rất nhiều nước sẽ phát triển điện hạt nhân. Gần ta nhất là Trung Quốc cũng xây một loạt nhà máy điện hạt nhân. Nói về sự an toàn thì phải nhìn trong tổng thể an toàn chung của khu vực chứ không phải chỉ một địa điểm hẹp nào đó.
Hơn nữa, nhiệt điện than vẫn chiếm vai trò quan trọng trong hệ thống điện của nước ta ngày càng bị chỉ trích vì ô nhiễm môi trường, khó bảo đảm nguồn than trong nước ổn định, phải trông chờ vào than nhập khẩu.
Vì vậy, theo tôi, tiếp tục phát triển điện hạt nhân hay dừng hẳn thì phải có nghiên cứu căn cơ, chi tiết, phân tích rõ ràng ưu và nhược điểm của điện hạt nhân. Nên nghiên cứu kỹ và trong quá trình đó có thể có những thành tựu điện hạt nhân tốt hơn, an toàn hơn.
Không còn cách nào khác, mới tính đến điện hạt nhân
- Việc dừng hay tiếp tục phát triển điện hạt nhân dựa trên những yếu tố nào, thưa Giáo sư?
- Thường người ta dựa vào tiềm năng năng lượng của đất nước. Một nước rất giàu tiềm năng thủy điện, giàu nguồn năng lượng khác như than, dầu khí, hay năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… thì người ta có thể tạm thời chưa dùng điện hạt nhân. Nói cách khác, trước khi làm điện hạt nhân thì nên tận dụng tốt các nguồn năng lượng khác.
- 5 năm trước, khiTrung ương và Quốc hội quyết định dừng đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và chuyển hướng sang năng lượng tái tạo cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của Giáo sư khi đó như thế nào?
- Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là đúng và phù hợp xu thế thế giới. Chúng ta cố gắng xây dựng thủy điện tích năng để phối hợp với năng lượng tái tạo, vận hành cho tốt, để nâng tỷ lệ điện gió, mặt trời cao trong hệ thống. Đó là giải pháp căn cơ. Nếu không còn cách nào nữa mới cân nhắc đến điện hạt nhân.
- Để phát triển năng lượng tái tạo, cần giải pháp gì, thưa Giáo sư?
- Cân đối giữa nguồn và lưới điện không phải là vấn đề khó. Nếu chúng ta quyết định xây dựng nguồn năng lượng tái tạo lớn tại khu vực Nam Trung Bộ, từ đó tải điện vào Nam ra Bắc thì với hệ thống truyền tải hiện nay chúng ta có thể tăng cường làm nhiệm vụ đó. Chỗ nào lưới điện yếu chúng ta xây thêm đường dây, trạm để phát triển lưới điện truyền tải, không có gì khó khăn cả.
Chúng ta nên khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Muốn vậy, cơ chế chính sách phải bảo đảm nhà đầu tư có lợi ích hợp lý. Với năng lượng tái tạo hiện nay, mấu chốt là giá Chính phủ định mua bao nhiêu? Nếu nhà đầu tư tư nhân thấy có lợi thì họ sẽ hăng hái làm, như với điện mặt trời vậy.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh:
Quyết định đúng và dũng cảm!
Là người có nghiên cứu về Ninh Thuận và hỗ trợ tỉnh xây dựng chiến lược phát triển, tôi có thể khẳng định quyết định dừng đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của Trung ương và Quốc hội 5 năm trước là rất đúng đắn và dũng cảm!
Sự đổi thay của vùng đất Ninh Thuận là minh chứng rõ ràng nhất, có sức nặng nhất cho quyết định đúng đắn này. Đời sống của người dân ngày càng tốt hơn và không còn lo lắng về rủi ro của điện hạt nhân; doanh nghiệp cũng yên tâm đầu tư kinh doanh và phát triển du lịch, công nghiệp…
Đặc biệt, khi dừng đầu tư dự án điện hạt nhân, Trung ương đã có các giải pháp hỗ trợ nhằm xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và phát triển điện khí NLG. Thay đổi chiến lược và tận dụng tốt thời cơ, Ninh Thuận đã và đang thành công trong biến bất lợi thành lợi thế, nắng và gió đã trở thành tiềm năng và nguồn lực phát triển. Trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận đang dần hình thành với 49 dự án điện có tổng công suất 3.035MW hòa lưới điện quốc gia (trong đó có 32 dự án điện mặt trời, đóng góp hơn 2.256MW và 11 dự án điện gió công suất 666MW). Kết quả này không chỉ góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn giúp Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận cũng rất khởi sắc. Nhiều nhà đầu tư chiến lược không còn e dè, quan ngại như trước đây, khi còn ý định xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Ở tỉnh hiện đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn không chỉ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà còn ở lĩnh vực du lịch đẳng cấp cao và kinh doanh bất động sản. Chỉ trong 5 năm 2016 - 2020, tỉnh thu hút được 194 dự án với tổng vốn trên 102.000 tỷ đồng, chiếm 47,8% số dự án và 68,4% số vốn đăng ký đầu tư từ trước đến nay.
Dừng đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ đúng đắn mà còn rất dũng cảm và sáng suốt! Cuộc sống không phải lúc nào cũng đưa ra được quyết định đúng, quan trọng là biết dừng lại khi cần! Lúc quyết định chủ trương đầu tư, có thể còn mặt này mặt khác của dự án chưa được nhìn nhận rõ. Trong quá trình chuẩn bị mới thấy hết các vấn đề phức tạp, cả những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra. Hơn nữa, trải qua thời gian, chúng ta cũng có quan điểm rõ ràng hơn về định hướng phát triển năng lượng của đất nước trong điều kiện mới. Và như vậy thì dừng đầu tư dự án điện hạt nhân là đúng đắn và hợp lý!