Hiến pháp phải bảo đảm để HĐND thực sự là cơ quan đại diện và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương

- Chủ Nhật, 24/02/2013, 09:12 - Bản đầy đủ
Về tổ chức chính quyền địa phương được thể hiện trong chương IX của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có một số vấn đề cần bàn thêm. Đặc biệt, Hiến pháp sửa đổi phải bảo đảm để HĐND thực sự là cơ quan đại diện và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Hiến pháp là văn bản luật quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Các bộ luật, đạo luật khác đều không được trái với Hiến pháp. Nước ta đến nay đã có 4 bản Hiến pháp. Mỗi bản Hiến pháp được xây dựng phù hợp với điều kiện bối cảnh lúc đó và định hướng cho việc xây dựng hệ thống pháp luật của đất nước.

Hiến pháp 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số nội dung vào năm 2001, nay tiếp tục được sửa đổi. Vậy, có thể coi đây là bản Hiến pháp 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện theo Cương lĩnh chính trị 1992 được Đại hội Đảng XI bổ sung, phát triển. Nó phải được kế thừa, phát huy những giá trị cũng như khắc phục những tồn tại của các bản Hiến pháp trước đây.

Đọc toàn văn bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này, cảm nhận chung là đã cơ bản phản ánh được tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nhưng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn quá dài, mang tính văn chương, khẩu hiệu nhiều hơn tính pháp lý cao nhất cần có của một đạo luật gốc. Có nội dung còn chưa rõ, chưa cụ thể bằng một số bản Hiến pháp trước đây. Về tổ chức chính quyền địa phương được thể hiện trong chương IX của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có một số vấn đề cần bàn thêm. Đặc biệt, Hiến pháp sửa đổi phải bảo đảm để HĐND thực sự là cơ quan đại diện và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Trong thực tiễn gần 70 năm, kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc; là sự bảo đảm cho việc thực hiện Hiếp pháp, pháp luật của nhà nước và các quy định của chính quyền Trung ương một cách có hiệu quả ở các địa phương. Một cấp chính quyền địa phương hoàn chỉnh phải bao gồm HĐND và UBND cấp đó. Các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 quy định rất cụ thể cấp hành chính lãnh thổ nào có HĐND và UBND (UBHC), cấp hành chính nào chỉ có UBHC. Bản dự thảo Hiến pháp lần này đưa ra một quy phạm mở trong việc thành lập HĐND và UBND. Quy định như vậy là chưa ổn. Việc thành lập chính quyền các cấp phải là một nguyên tắc hiến định, phải được quy định rõ trong Hiến pháp. Nước ta là một nước dân chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực thi các quyền đó. Chính quyền địa phương các cấp được tổ chức ra để thực hiện sự ủy quyền của nhân dân địa phương. Nếu quy định mở như dự thảo dễ dẫn tới sự vận dụng một cách tùy tiện, thậm chí vi hiến. Cần tổ chức HĐND ở tất cả các cấp hành chính.

HĐND theo các bản Hiến pháp trước và theo Dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này có hai chức năng. Thứ nhất là cơ quan đại diện của nhân dân để nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình bằng hình thức dân chủ đại diện; hai là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Có bản Hiến pháp trước còn quy định rất chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. Như vậy, vai trò của HĐND đã được Hiến pháp ghi nhận, nhưng những chức năng của HĐND lại chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Chức năng đại diện mới được quy định cho cá nhân đại biểu HĐND, còn của cơ quan HĐND thì chưa rõ. Nội hàm cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cũng cần quy định rõ hơn trong Hiến pháp. Quyền lực nhà nước chung đều được hiểu gồm ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vậy quyền lực nhà nước ở địa phương của HĐND bao gồm những quyền gì? Nếu không được quy định cụ thể trong Hiến pháp dễ dẫn đến sự hiểu lầm trong dân chúng và ngay trong các đại biểu HĐND, dẫn đến thực hiện không hết thẩm quyền, hoặc lạm quyền. Chúng tôi cho rằng tính chất quyền lực nhà nước của HĐND gồm ba vấn đề cốt lõi: một là bầu ra cơ quan chấp hành của mình và bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên của cơ quan này; hai là chức năng quyết định; ba là chức năng giám sát. Ba nội dung này cần được quy định trong Hiến pháp. Còn cụ thể chi tiết như thế nào sẽ do Luật Tổ chức HĐND quy định.

Về chức năng giám sát của HĐND. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định HĐND chỉ giám sát các cơ quan nhà nước tại địa phương (điều 116). Quy định như vậy là chưa đủ. Trên thực tế nhiều năm qua, hoạt động giám sát của HĐND không chỉ đối với các cơ quan nhà nước mà còn đối với rất nhiều các tổ chức khác, như: các tổ chức kinh tế, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội, công dân... Quy định như Dự thảo thì phải chăng HĐND tiến hành giám sát các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp... như đã làm vừa qua là hoạt động vi hiến? Nhân đây chúng tôi một lần nữa kiến nghị cần có một đạo luật riêng về hoạt động giám sát của HĐND các cấp.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp không quy định nhiệm kỳ của HĐND. Như vậy cũng không ổn. Cần quy định cụ thể trong Hiến pháp lần này nhiệm kỳ của HĐND các cấp theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Vừa qua chúng ta đã thực hiện được việc tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND vào cùng một thời điểm. Vậy quy định nhiệm kỳ mỗi khóa HĐND các cấp theo nhiệm kỳ Quốc hội trong Hiến pháp là cần thiết và hợp lý.

Hoàng Văn Bảo
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP