Ám ảnh với câu hỏi “bao giờ thay đổi?”
- Thưa ông, chiều nay, Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn" diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Là người nhiều năm gắn bó với công nhân và công đoàn, ông kỳ vọng gì vào Diễn đàn?
- Việc lần đầu tiên Diễn đàn Người lao động được tổ chức theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy mối quan tâm rất lớn của Quốc hội tới người lao động.
Trong bối cảnh người lao động đang phải vật lộn với vấn đề việc làm, thu nhập, khi rất nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng và buộc phải giảm quy mô, cắt giảm lao động, thậm chí là phá sản thì Diễn đàn đã thể hiện rõ cam kết của Đảng và Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là với lực lượng công nhân lao động. Qua Diễn đàn, tôi tin chắc rằng, người lao động sẽ hiểu rằng họ luôn có sự đồng hành của Nhà nước. Đây là cơ sở rất quan trọng để động viên, khích lệ người lao động, giúp họ vững tin hơn trong lúc khó khăn này.
Cũng phải chia sẻ thêm, trong rất nhiều lần gặp trực tiếp công nhân lao động cả ở nơi làm việc lẫn nơi ở, câu hỏi chung họ đặt ra là “Chẳng lẽ chúng tôi cứ mãi như thế này? Khi nào có thay đổi?”, nhưng tôi đã không thể trả lời họ một cách chắc chắn. Câu hỏi đó thật sự ám ảnh tôi! Bây giờ, với việc lần đầu tiên Diễn đàn Người lao động được tổ chức và do đích thân Chủ tịch Quốc hội chủ trì, tôi mong câu hỏi đó được trả lời xác đáng.
- Diễn đàn sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính, trong đó có việc xây dựng pháp luật, thể chế về tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cùng các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của người lao động, vấn đề bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho người lao động. Ông nghĩ sao?
- Có thể khẳng định rằng, đây là những nội dung thể hiện sự quan tâm rất đúng hướng đến người lao động. Bởi lẽ, trong các nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện về người lao động cho thấy, mối quan tâm lớn nhất của họ là vấn đề việc làm, sau đó lần lượt đến tiền lương và thu nhập, nhà ở, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Muốn có chính sách tốt, cần nghiên cứu tổng thể về người lao động
- Như ông vừa chỉ ra, việc làm là quan tâm hàng đầu của người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang rất khó khăn, phải cắt giảm lao động, để giải quyết vấn đề này, theo ông cần lưu ý điều gì?
- Đúng là vấn đề việc làm rất căng thẳng, khi doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng. Theo Tổng cục Thống kê, xu hướng quý III.2023 so với quý II.2023, chỉ có 26,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới, trong khi 46,2% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 27,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm. Nếu không có đơn hàng, người lao động sẽ khó bảo đảm được việc làm chứ chưa thể nói đến tiền lương, thu nhập.
Bởi lẽ đó, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là phải hỗ trợ doanh nghiệp để họ cầm cự được qua giai đoạn khó khăn này. Các chính sách hỗ trợ đã được ban hành như giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất, cần phải được đẩy nhanh hơn, thực chất hơn. Hãy cố gắng làm tốt nhất có thể các chính sách đó để doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi. Đặc biệt, cần lựa chọn những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp để ưu tiên, trong đó phải đặt ưu tiên hàng đầu cho những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Khi hỗ trợ cho những doanh nghiệp này sẽ đạt được hai mục đích: vừa làm tốt công tác an sinh xã hội vừa giúp doanh nghiệp sẵn sàng nguồn lực sản xuất khi đơn hàng phục hồi.
- Vấn đề tiền lương, thu nhập cũng được người lao động rất quan tâm nhưng hiện vẫn được cho là chưa đáp ứng nhu cầu, ông nghĩ sao?
- Đúng vậy! Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng, thu nhập của người lao động đã có cải thiện. Tuy nhiên, về cơ bản, mức này vẫn còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng cuộc sống tối thiểu.
Một nghiên cứu chúng tôi kết hợp Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện hơn một năm trước cho thấy, tiền lương của công nhân ở Hà Nội bình quân chỉ 5,4 triệu đồng/tháng, như vậy làm sao họ có tích lũy? Chúng ta đúng là đã có cải thiện về tiền lương, thu nhập cho người lao động, nhưng chưa đủ thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng sau một ngày làm việc, để họ có chỗ ở tốt, con cái được học hành đến nơi đến chốn - tức là tái sản xuất giản đơn và càng chưa đạt mức tái sản xuất mở rộng (tức là còn phải nâng cao trình độ cho người lao động).
Do đó, tôi mong rằng, tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ làm rõ vấn đề này, từ đó gợi mở cách giải quyết để nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động. Về lâu dài, cần có luật về tiền lương tối thiểu, như cách mà nhiều nước, trong đó có Singapore đã làm. Khi có luật đó, đời sống của người lao động chắc chắn sẽ có thay đổi căn bản.
- Để tạo ra sự thay đổi căn bản cho đời sống của người lao động, theo ông, mấu chốt là gì?
- Như tôi đã nói ở trên, đó là vấn đề về việc làm, thu nhập, chỗ ở, nơi học tập cho con cái. Đầu tư cho con cái của người lao động là mục tiêu dài hạn, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Nếu doanh nghiệp không quan tâm tới con cái người lao động là đang tự đốt cháy mình. Muốn vậy, các quy định, quy hoạch về đất làm nhà ở cho công nhân, trong khu công nghiệp, đất xây dựng trường học phục vụ con công nhân cần phải được làm rõ và thực hiện nghiêm chỉnh, không thể để quy định một đằng nhưng làm một nẻo.
Trong khuôn khổ của một Diễn đàn sẽ khó có thể giải quyết toàn diện các vấn đề của người lao động hiện nay. Dù vậy, tôi vẫn hy vọng sẽ gợi mở được những định hướng lớn để giải quyết các nhóm vấn đề lớn cả trong trước mắt và dài hạn. Theo đó, cần phải có nghiên cứu toàn diện, đầy đủ về người lao động, để từ đó có cơ sở xây dựng chính sách phù hợp, thiết thực. Nếu không, các chính sách ban hành sẽ thiếu đi tính căn cơ, chiến lược.
- Xin cảm ơn ông!