Bảo đảm phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp
Tại hội nghị đôn đốc triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tháng 8 vừa qua, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Bùi Văn Lương nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo bước đột phá trong quản lý dân cư từ thủ công sang hiện đại, chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận tham gia của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện.
Bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Phổ Yên đã nỗ lực cao nhất, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn, qua đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong triển khai các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung của tỉnh, thành phố luôn quan tâm vận hành, duy trì hệ thống Quản lý văn bản đi, đến và điều hành đạt chất lượng tốt. Tính đến ngày 25.5.2022, toàn thành phố nhận 19.087 văn bản; tiếp nhận 17.541 văn bản; gửi 24.024 văn bản. Phòng họp trực tuyến không giấy tờ phục vụ hơn 375 cuộc họp, học tập triển khai Nghị quyết của thành ủy và UBND thành phố; hệ thống 1 cửa của thành phố và 18 xã, phường được duy trì, nâng cấp; thường xuyên rà soát các danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đưa tổng số dịch vụ công của thành phố lên cổng dịch vụ công của tỉnh bao gồm 320 thủ tục hành chính.
Thành phố tiếp tục triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh TP. Phổ Yên (IOC); Cổng thông tin điện tử thành phố và trang thông tin điện tử 18 xã, phường được vận hành ổn định, đăng tải thường xuyên, kịp thời các thông tin, hoạt động, sự kiện của cơ sở. Thành phố đã thực hiện các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công nhằm giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng chính quyền số và phát triển xã hội số…
Tạo động lực xây dựng đô thị thông minh, hiện đại
Để thúc đẩy triển khai xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, kinh tế số, theo Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 22.1.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Phổ Yên về thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU; tạo động lực để Phổ Yên xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại, cực tăng trưởng kinh tế phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên đang tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường môi trường tương tác giữa chính quyền và người dân. Tuyên truyền người dân thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết dịch vụ công mức độ 3, 4.
Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 71/KH-UBND về triển khai Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn thị xã Phổ Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 14.1.2022 của UBND thị xã Phổ Yên về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Phổ Yên năm 2022. Tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31.12.2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tập trung xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu hành chính, cơ sở dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến thành phố và cấp xã, nhằm bảo đảm tỷ lệ trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại thành phố và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại xã, phường được xử lý trên môi trường mạng.