Hải Vân Quan tọa lạc trên núi Hải Vân thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Hải Vân Quan được xây dựng ở vị trí đắc địa, vừa hiểm trở cheo leo, là nơi xung yếu nhất được mệnh danh là "yết hầu" của kinh đô Huế. Thành lũy này án ngữ trên con đường thiên lý độc đạo lưu thông từ kinh đô Huế đến xứ Quảng Nam và ngược lại.
Di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia ngày 14.4.2017. Cuối năm 2021, sau một thời gian được xếp hạng Di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng (ngân sách Đà Nẵng 50%, Thừa Thiên Huế 50%). Dự án thực hiện trên diện tích sử dụng khoảng 6.500m², với quy mô đầu tư và phương án xây dựng, toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan được tháo dỡ đến nền gốc tích thời Nguyễn; tu bổ cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên hạ đệ nhất hùng quan theo các dấu tích nguyên gốc.
Bên cạnh đó, dự án cũng phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá, tường xây gạch vồ; gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây; phục hồi lan can xây gạch vồ chia ô hộc và trang trí trên nóc theo tư liệu; phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ.
Công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung.
Hải Vân Quan khi đi vào phục vụ khách tham quan sẽ là mắt xích quan trọng nối kết hai vùng du lịch Bắc và Nam Trung bộ.