![]() Cố Tổng bí thư Lê Duẩn vớái thanh niên Hà Nội năm 1982 ảnh: Phạm Yên |
Đó là lời đề dẫn tọa đàm khoa học Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam của Gs Hoàng Chương nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Tọa đàm do Hội đồng Lý luận T.Ư phối hợp với NXB Chính trị quốc gia - Sự thật cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức. 38 tham luận một lần nữa khẳng định những đóng góp to lớn của cố Tổng bí thư Lê Duẩn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và nền văn hóa dân tộc.
Nói tới cố Tổng bí thư Lê Duẩn là nói tới sự tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc. Tư tưởng đề cao truyền thống, bảo vệ truyền thống hầu như quán xuyến trong các bài viết, bài nói chuyện của ông. Ông từng viết: phải biến mọi giá trị văn hóa thành tài sản của nhân dân và làm cho nhân dân trở thành người sáng tạo trực tiếp mọi giá trị văn hóa. Luận điểm này vẫn còn giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn trong tình hình đất nước ta đang hội nhập sâu rộng hiện nay. Trong lý luận của mình, cố Tổng bí thư Lê Duẩn luôn nhấn mạnh ý nghĩa của việc giải phóng con người, đến tình thương và lẽ phải. Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư Hữu Thọ kể, vì rất quan tâm đến tư tưởng của các nhà lãnh đạo Đảng ta, do đó đã bắt gặp tư tưởng của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, một trong những tư tưởng văn hóa xuất sắc. “Khi còn hoạt động ở báo Nhân dân, tôi nghe truyền miệng về tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn là tình thương và lẽ phải. Thế nhưng khi tiếp cận văn kiện thực sự thì không chỉ có như thế, tư tưởng ấy là lao động, tình thương và lẽ phải. Đồng chí Lê Duẩn đã phân tích, có lao động mới có con người, có con người mới có văn hóa. Làm cách mạng có hai điều quan trọng nhất là tình cảm cách mạng sôi nổi, say sưa và có hiểu biết dồi dào về khoa học và cách mạng. Con người yêu lao động, giàu tình thương là con người trọng lẽ phải, nhận thức được chân lý”.
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn là một nhà thực tiễn kết hợp với lý luận sắc bén, luôn gắn vấn đề văn hóa với chính trị, tư tưởng. Nói về Quan hệ văn hóa với chính trị - Suy nghĩ từ góc độ văn hóa trong tư duy chính trị - quân sự của Lê Duẩn, Trung tướng Phạm Quang Cận cho rằng, cố Tổng bí thư Lê Duẩn thường đi từ nhận diện đặc điểm lịch sử dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam để làm rõ nguồn gốc sâu xa, bền vững của truyền thống quân sự Việt Nam, từ đó đề xuất nhiều nội dung mới, kế thừa và phát triển truyền thống đó trong kháng chiến chống Mỹ, chủ yếu trong phương pháp cách mạng, chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn cũng cho rằng văn hóa, đạo đức Việt Nam có cái gần với Phật giáo, ảnh hưởng tinh thần của Phật giáo, là Phật giáo, nhưng bị Khổng giáo đè xuống, làm sai lệch và đánh mất mình rồi vì sức sống mãnh liệt của dân tộc mà lại tìm thấy mình trong Phật giáo. Chính sự tìm lại mình trong Phật giáo nên trở về được với văn hóa, bản sắc dân tộc và làm nên chiến tranh nhân dân rất sớm ở Việt Nam. Trung tướng Phạm Quang Cận khẳng định: “từ việc nhìn nhận các vấn đề về dân tộc Việt Nam, văn hóa, tình cảm con người Việt Nam, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam tôi thấy ở cố Tổng bí thư Lê Duẩn một niềm tin mãnh liệt về sức mạnh của con người và văn hóa Việt Nam”.
Chuyên gia cao cấp Trần Việt Phương dẫn dắt sâu xa hơn, rằng có một cách hiểu văn hóa được đông đảo mọi người đồng tình: văn hóa là những gì tạo ra con người, ở trong con người, là bản chất lành mạnh và tác phẩm đẹp đẽ của con người. Văn hóa nghĩa rộng như thế đã được nhiều nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng và nhiều nghị quyết Ban chấp hành T.Ư Đảng ta nhắc đi nhắc lại, làm cho văn hóa thấm vào và thể hiện trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở mọi cấp, mọi ngành, thâm nhập vào cộng đồng người Việt Nam ta. Văn hóa nghĩ rộng như thế là tự do, dân chủ, bình đẳng, công lý của con người; độc lập của dân tộc; chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; phát triển thịnh vượng của xã hội; hòa bình, hữu nghị hợp tác giữa các dân tộc trên thế giới; con người bảo vệ, tô điểm, thích nghi và sống hài hòa với thiên nhiên. Hiểu theo nghĩa văn hóa rộng như vậy, cố Tổng bí thư Lê Duẩn là người được nuôi dưỡng và trưởng thành bằng văn hóa; trở thành người lãnh đạo cao nhất trong 26 năm của Đảng ta và suốt cuộc đời mình nhất quán là người của văn hóa; trở thành lãnh đạo, thực hành lãnh đạo bằng văn hóa; là người góp phần rất quan trọng tạo nên văn hóa của đất nước và dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa như vậy, văn hóa đối với cố Tổng bí thư Lê Duẩn là triết lý sống, là quan điểm chính trị - xã hội, là thái độ tình cảm, là phương pháp tiếp cận và là một nhân cách của con người Lê Duẩn.
Trong sự nghiệp tiếp thu, kế thừa và phát triển văn hóa, cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã có những đóng góp quan trọng, trở thành người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như một trong những ngôi sao sáng nhất trong chùm sao quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh.