Tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lần đầu tiên đề xuất hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi.
Cụ thể, người hết tuổi lao động (hiện nam 61, nữ 56 tuổi 4 tháng) nhưng còn khả năng và có nhu cầu làm việc thì được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm.
Người cao tuổi muốn vay vốn để tạo hoặc mở rộng việc làm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí như: Thuộc hộ nghèo; người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khi làm hồ sơ vay vốn, người vay có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trình phương án sử dụng vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc tại địa phương và các loại giấy tờ chứng minh thuộc nhóm ưu tiên...
Việt Nam có hơn 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ có 3,3 triệu hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Còn hơn 9 triệu người hết tuổi lao động 'lọt" lưới an sinh.
Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho thấy, nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội. Tổ chức Lao động quốc tế ILO dự báo nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế.