
Tại Dự thảo 5, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (phiên bản trình Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ Hai vào tháng 9.2021), Chính phủ đã đề xuất phương án thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT tại Điều 211, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Theo đó, các phương án được đề xuất để đưa ra thảo luận như sau:
Phương án 1: Sửa đổi, bổ sung Điểm a, Khoản 1, Điều 211 như sau:
"a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội"
Phương án 2: Giữ nguyên quy định luật hiện hành
"a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội"
Hiện, có rất nhiều lập luận để đưa ra các quan điểm bảo vệ hay loại bỏ Phương án 1. Chúng tôi thấy rằng, các quan điểm này, đứng dưới các góc độ, khía cạnh khác nhau (của Luật sư, đại diện SHTT, chủ sở hữu quyền; cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan tư pháp hay kể cả bên xâm phạm quyền) đều có sức thuyết phục nhất định. Quan điểm đánh giá phổ biến nhất đều cho rằng, biện pháp hành chính biện pháp phù hợp nhất đối với Việt Nam trong bối cảnh thể chế, thực trạng của giải quyết tranh chấp SHTT hiện nay.
Chúng tôi thấy rằng, biện pháp hành chính còn bộc lộ những thiếu sót nhất định như: chỉ có thể áp dụng trong những trường hợp hành vi xâm phạm rõ ràng, đơn giản, do đó, hiệu lực răn đe thấp. Thông qua biện pháp hành chính, bên xâm phạm quyền SHTT chỉ phải trả tiền phạt (thường là khá ít so với lợi ích vật chất thu được) và chấm dứt hành vi xâm phạm trên cơ sở quyết định xử phạt của cơ quan chức năng. Do chế tài phải chịu là chưa tương xứng với những lợi ích vật chất có thể đạt được, rất nhiều trường hợp đã bị xử phạt hành chính nhưng lại tiếp tục hành vi xâm phạm. Chủ sở hữu quyền không được bồi hoàn thiệt hại. Các chi phí trực tiếp để xử lý xâm phạm do Nhà nước chi trả. Tuy nhiên, biện pháp hành chính lại có ưu điểm là có thể xử lý xâm phạm nhanh chóng trong nhiều trường hợp, đáp ứng nhu cầu nhanh gọn của chủ sở hữu quyền.
Đối với cơ chế xét xử của tòa án, mặc dù còn nhiều hạn chế như quy trình xử lý tranh chấp mất nhiều thời gian, chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến SHTT còn hạn chế, phân cấp thẩm quyền xử lý tranh chấp còn dàn trải… Nhưng không thể phủ nhận rằng, biện pháp dân sự qua tòa án có những ưu điểm như: phán quyết của tòa án có tính răn đe cao; khả năng giải quyết những vụ án phức tạp, đòi hỏi quá trình tranh tụng, xác minh kéo dài; bảo đảm đền bù thiệt hại, chi phí cho chủ thể quyền.
Từ những ưu điểm, nhược điểm nêu trên, có thể tạm rút ra một nhận định: những tranh chấp đơn giản, cần xử lý nhanh đã có biện pháp hành chính; còn đối với tranh chấp phức tạp, gây thiệt hại kinh tế lớn mà biện pháp hành chính không giải quyết được một cách hiệu quả thì hiển nhiên sẽ được đưa ra Tòa án giải quyết. Như vậy, tựu chung lại, chính bản chất của tranh chấp (phức tạp hay đơn giản) sẽ quyết định linh hoạt cách thức, biện pháp mà tranh chấp được giải quyết chứ không nhất thiết phải áp đặt, phân loại biện pháp giải quyết tranh chấp một cách "cơ học" như tại Phương án 1. Chính Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng đã thể hiện quan điểm này tại Điều 199: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự." (Điều 199, không được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo).
Chúng tôi hiểu rằng, với đề xuất như Phương án 1, cơ quan chủ trì soạn thảo muốn "điều hướng" để các tranh chấp về sáng chế; kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; tên thương mại; bí mật kinh doanh sẽ thuộc đối tượng bắt buộc bị xử lý bởi tòa án, do đó, tòa án sẽ là cơ quan tài phán duy nhất có thẩm quyền xử lý tranh chấp. Mặc dù, có thể hiểu ý tưởng của cơ quan soạn thảo trong việc đưa ra đề xuất này là nhằm giảm bớt áp lực cho cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường vai trò, năng lực của tòa án đối với giải quyết tranh chấp SHTT. Tuy nhiên, mục tiêu này hoàn toàn có thể được Nhà nước thực hiện bằng phương án khác.
Ví dụ: Có thể cơ cấu, điều chỉnh lại việc phân cấp, phân quyền trong hệ thống tòa án theo hướng chỉ cho phép tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thụ lý và xét xử các loại vụ án tranh chấp quyền SHTT; Hoặc, thành lập Tòa SHTT trực thuộc tòa án nhân dân cấp cao, có vai trò xét xử phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có hiệu lực pháp luật. Trong bối cảnh chưa thể thành lập tòa án chuyên trách về SHTT, việc phân cấp như trên sẽ giúp cho tòa án dần được chuyên môn hóa hơn trong việc giải quyết án SHTT, qua đó, uy tín, năng lực của tòa án về SHTT sẽ được nâng cao. Từ đó tự khắc, các vụ án, tranh chấp phức tạp về SHTT sẽ "tự tìm đến" để "nhờ cậy" Tòa án xử lý. Về lộ trình dài hơn, có thể tiến hành sửa đổi, điều chỉnh các thủ tục tố tụng cho phù hợp với bản chất của thực thi, bảo vệ quyền SHTT và thành lập một tòa án chuyên biệt về SHTT.
Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị: Không nên áp dụng biện pháp "cưỡng bức" về thẩm quyền xử lý tranh chấp SHTT mà nên để "thị trường" tự quyết định. Nhà nước chỉ nên đẩy mạnh chất lượng xét xử, cơ cấu lại hệ thống xét xử, có lộ trình chuyển đổi cho phù hợp thì sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong việc nâng cao vai trò, năng lực của tòa án trong xét xử tranh chấp về SHTT. Do đó, chúng tôi nhất trí, kiến nghị chọn Phương án 2 - tức giữ nguyên như quy định hiện hành.