Chiều 30.8, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với tỉnh Cao Bằng về thực hiện chính sách, pháp luật về chi ngân sách địa phương cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề, văn hóa thông tin. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì cuộc làm việc.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, số thu ngân sách hàng năm thấp. Đây cũng là tỉnh chỉ có duy nhất loại hình giao thông là đường bộ; hàng năm chịu ảnh hưởng xảy ra nhiều đợt thiên tai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cuộc sống người dân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, việc xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương nói chung và cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề, văn hóa thông tin nói riêng trên địa bàn tỉnh dựa trên cơ sở nguồn thu cân đối và số bổ sung từ ngân sách cấp trên, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Kế hoạch tài chính 5 năm (2021 - 2025), Kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm (2021 - 2023), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành và cân đối với nguồn lực của địa phương.
Các năm 2021, 2022, 2023, tổng chi cho giáo dục - đào tạo, dạy nghề chiếm tỷ lệ 29,4% trên tổng chi ngân sách địa phương; tổng chi cho văn hóa thông tin chiếm tỷ lệ 1,96% trên tổng chi ngân sách địa phương.
Về chi đầu tư phát triển cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề và văn hóa thông tin, từ năm 2021 - 2023 lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của các công trình giáo dục - đào tạo và dạy nghề được 168,84 triệu đồng; số công trình đã thực hiện hoàn thành tính đến thời điểm 31.12.2023 là 25 công trình; số công trình chuyển tiếp thực hiện trong năm 2024 là 2 công trình.
Về các công trình thuộc lĩnh vực văn hóa thông tin, từ năm 2021 - 2023 lũy kế giải ngân vốn đầu tư công được 166.431,26 triệu đồng, 13 công trình. Đến thời điểm 31.12.2023 đã hoàn thành 10 công trình. 2 công trình chuyển tiếp thực hiện năm 2024; 1 công trình không thực hiện.
Về chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề, chi lương chiếm tỷ lệ 69%trên tổng chi sự nghiệp; chi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chiếm tỷ lệ19,4%; chi trả chế độ cho học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ 11,6%.
Với lĩnh vực văn hóa thông tin, chi lương chiếm tỷ lệ 45,8% trên tổng chi sự nghiệp; chi thực hiện nhiệm vụ chuyên mônchiếm tỷ lệ 54,2%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên chưa đáp ứng các nhu cầu thực tế của các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, văn hóa thông tin. Một số nội dung vẫn chưa bảo đảm theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đề ra. Nguồn thu sự nghiệp không đáng kể (mức thu học phí thấp), không bảo đảm nâng mức độ tự chủ.
Từ thực tiễn địa phương, Cao Bằng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành quan tâm hơn nữa đến các tỉnh miền núi chưa tự cân đối được ngân sách nhà nước như Cao Bằng; phân bổ thêm kinh phí cho các tỉnh khó khăn về nguồn lực để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Đề xuất Chính phủ xem xét giảm tỷ lệ biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước của tỉnh Cao Bằng thấp hơn 10% (khoảng 5%) hoặc chỉ giảm 10% biên chế sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; điều chỉnh nâng mức hỗ trợ cho học sinh mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác từ mức 150.000 đồng/học sinh/tháng lên mức 300.000 đồng/học sinh/tháng để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung đối tượng trẻ em thuộc nhóm nhà trẻ (từ 18 đến dưới 36 tháng tuổi) được hưởng chế độ, chính; nâng mức hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền đi lại đối với người học nghề ngắn hạn theo hướng mức hỗ trợ tiền ăn 50.000đ/người/ngày thực học, hỗ trợ tiền đi lại 500.000đ/người/khóa học nếu địa điểm ở xa nơi cư trú từ 15km.
Cao Bằng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành quy định mới về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2026 áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2026 - 2030 theo hướng nâng định mức phân bổ theo tiêu chí dân số đối với tất cả các lĩnh vực ở mức hợp lý nhằm bảo đảm đáp ứng nguồn lực thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã ban hành.
Đoàn khảo sát chia sẻ với những khó khăn của Cao Bằng; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh, trong điều kiện nguồn lực hạn chế nhưng vẫn dành ưu tiên nhất định trong phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, văn hóa thông tin.
Nhấn mạnh, văn hóa, giáo dục được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh mong muốn Cao Bằng tiếp tục rà soát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo để xác định các trọng tâm ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới. Bên cạnh ngân sách nhà nước, cần có chính sách để huy động các nguồn lực xã hội phục vụ sự nghiệp văn hóa, giáo dục của địa phương. Đặc biệt, phải quan tâm đến quy hoạch mạng lưới trường lớp, thiết chế văn hóa - thể thao, để có lộ trình đầu tư phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tiến độ giải ngân.
Những kiến nghị của Cao Bằng tại cuộc làm việc sẽ được Đoàn khảo sát tổng hợp, gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan.