Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư tác động sâu rộng cùng với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường lao động đã bộc lộ không ít hạn chế. Trong đó, nổi bật là thị trường lao động chưa theo kịp yêu cầu phát triển KT-XH…; đặc biệt giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề tương lai gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế.
Những hạn chế nêu trên đã không đáp ứng được những yêu cầu của Chính phủ trong giai đoạn phát triển mới. Theo đó, trong giai đoạn này, Chính phủ xác định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động hội nhập quốc tế với nhiều ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, công nghệ tiên tiến. Như vậy, điều kiện cần và đủ để thực hiện các ưu tiên nêu trên là phải có lực lượng lao động chất lượng cao được đào tạo bài bản, làm chủ khoa học công nghệ.
Để làm được điều này, cần đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; đồng thời chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… đáp ứng hội nhập với thị trường lao động thế giới.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 11.5.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao. Trong đó, xác định rõ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển KT-XH của đất nước. Chỉ thị đã giao việc cho các bộ, ngành, địa phương trong tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tiệm cận với chuẩn mực đào tạo quốc tế, đặc biệt ở các ngành có nhu cầu đáp ứng Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy vậy, cần phải thấy rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, cần đổi mới đồng bộ các chính sách, cơ chế liên quan đến môi trường làm việc, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh sống, định cư... để người lao động nói chung, người lao động có tay nghề yên tâm làm việc, cống hiến.