Chiều 31.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đóng góp về nội dung này, tại tổ 12, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội ban hành năm 2007, qua gần 15 năm thực hiện, cho đến thời điểm này, cần thiết phải sửa đổi. Việt Nam là một trong những nước tiếp cận với việc phòng, chống bạo lực gia đình từ rất sớm. Thời gian vừa qua, mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo sự chuyển biến nhận thức ở các cấp chính quyền, người dân, song người dân phản ánh vấn đề bị bạo lực đến các cấp chính quyền vẫn còn thấp.
Theo đại biểu, qua con số trong các báo cáo của Chính phủ cho thấy, có hơn 90% phụ nữ bị bạo lực nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ; rất nhiều trẻ em bị bố mẹ xử phạt bằng hình thức đánh đập, và nhiều phụ huynh cũng không biết hành vi đánh con của mình là hành động bạo lực. Do đó, đại biểu cho rằng, một trong những yếu tố để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những hành vi về bạo lực gia đình để những hành vi này được nhận diện rõ ràng trong cộng đồng xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật bổ sung hành vi bạo lực gia đình trên không gian mạng. Theo đại biểu, trong nhiều trường hợp, những người trong gia đình mâu thuẫn, không bằng lòng nhau đã đưa lên không gian mạng, đưa các thông tin cá nhân nhạy cảm của người thân. Đây chính là hành vi bạo lực gia đình. "Bạo lực này còn khủng khiếp hơn những hành vi bạo lực bên trong nội bộ gia đình, vì bản thân mỗi người rất ngại khi người khác biết được nỗi khổ của bản thân", đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định về góp ý, phê bình và hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình. Theo đại biểu, việc tổ chức phê bình, góp ý của tổ dân phố với người có hành vi bạo lực gia đình cần được quy định trên cơ sở tính toán toàn diện các yếu tố tác động bởi khi người chồng hoặc vợ bị phê bình dưới hình thức này có thể quay trở lại "bạo lực kép" với người thân.
Thể hiện sự băn khoăn với quy định người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, việc tiếp xúc không chỉ dừng ở hoạt động giao tiếp nói chuyện với nhau, bằng hành động trực tiếp mà còn có thể trên không gian mạng, "nửa vòng trái đất người ta vẫn có thể dùng những hành vi bạo lực gia đình". Do đó, đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa toàn diện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm.
Để thực hiện nội dung phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị có sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đề cập trách nhiệm của các các bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, dự thảo Luật cũng cần bổ sung các hội như Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thời gian gần đây có rất nhiều người cao tuổi bị bỏ rơi, đánh đập.