Đăng ký cổ vật để bảo vệ và quản lý cổ vật

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội nghị Tham vấn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức, là quản lý cổ vật. Gs Nguyễn Minh Thuyết nán lại đến phút cuối của hội nghị cũng chủ yếu để được phát biểu về “món nợ” mà 4 năm trước ông đã không thể thuyết phục để sửa đổi, bổ sung trong Luật Di sản văn hóa.

Bình gốm vớt từ tàu đắm tại Cù Lao Chàm Nguồn: NLĐ
Bình gốm vớt từ tàu đắm tại Cù Lao Chàm        Nguồn: NLĐ
Mở rộng khái niệm cổ vật

Theo PGs, Ts Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, khái niệm về cổ vật cần được mở rộng. Trước đây, cổ vật chủ yếu là gốm sứ, đồ đồng…, nhưng nay cổ vật thuộc nhiều lĩnh vực, kể cả sắc phong, tranh thờ, vũ khí thờ như cung, kiếm, áo thành hoàng… Các chi tiết kiến trúc tưởng không thể tách rời di tich như bức phù điêu đắp nổi, các mảng trang trí trên đầu dư, bức cốn, kẻ chuyền, các linh vật gắn trên mái và nóc đình, chùa… cũng trở thành mặt hàng đắt giá. Thậm chí, đối tượng mua bán, trao đổi trên thị trường còn là nông cụ, các vật dụng sinh hoạt từ vài chục năm trước…

Thị trường cổ vật đang phát triển sôi động cả bề nổi lần bề chìm. Việc mua bán các tài sản văn hóa có nguồn gốc bất hợp pháp nhiều và đa dạng về chủng loại, trong đó có cả những đồ quốc cấm như trống đồng, thạp đồng; các cổ vật có giá trị lớn như vàng, đồ trang sức, thủy tinh màu ở các di tích khảo cổ học; đồ gốm, sứ lấy từ các con tàu đắm… Nếu tiếp tục buông lỏng quản lý hoặc thiếu kiểm soát chặt chẽ, vô hình trung, chúng ta đang dần biến thị trường cổ vật mặc nhiên thành chợ trời, tiêu thụ các tài sản có được do trộm cắp của đình, chùa, đền, miếu…; hoặc đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học; qua đó làm tăng thêm nguy cơ chảy máu cổ vật và xuống cấp nghiêm trọng hệ thống di tích.

“Cổ vật là một loại tài sản, loại hàng hóa đặc biệt, không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật mà còn có giá trị kinh tế lớn, có khả năng đem lại lợi nhuận khổng lồ trong quá trình mua bán, trao đổi. Do đó, cần xem xét việc quản lý thị trường cổ vật cả dưới góc độ kinh tế và an ninh quốc gia, chứ không chỉ dưới góc độ văn hóa” - PGs, Ts Trương Quốc Bình nói.

 
Không đăng ký, không thể quản lý

Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam Đoàn Anh Tuấn cho rằng, việc giám định và đăng ký cổ vật đóng vai trò hết sức quan trọng cho công tác nghiên cứu, khẳng định những thông điệp lịch sử dân tộc. Qua đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc nói riêng và của loài người nói chung sẽ khách quan và trung thực hơn. Ngày nay, lượng cổ vật trong nhân dân rất lớn, công tác giám định, đăng ký càng trở nên cần thiết. Luật Di sản văn hóa đã thừa nhận quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân về cổ vật, nhưng mới chỉ khuyến khích đăng ký cổ vật. Vì thế, việc đăng ký cổ vật thuộc sở hữu tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước vẫn không tiến triển, các địa phương dò dẫm, chậm chạp. Sự chậm chạp này, theo Ts Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, là do kinh phí đầu tư cho việc đăng ký còn hạn hẹp, nên ngay cả TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nam Định… cũng chỉ tổ chức một năm đôi lần. Sự dò dẫm còn bởi nhận thức của sưu tập tư nhân chưa đầy đủ, do lầm tưởng đó là sự với tay quản lý thô bạo của Nhà nước tới sở hữu cá nhân, mà không hay rằng đăng ký là sự gia tăng giá trị mọi mặt cho sưu tập hiện tại cũng như lâu dài. Chẳng hạn như, cổ vật sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn nghiệp vụ, tạo điều kiện bảo vệ và phát huy giá trị cổ vật…

 Cổ vật từ tàu đắm tại Cà Mau
Cổ vật từ tàu đắm tại Cà Mau

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (năm 2009), ông đã đề nghị đưa quy định đăng ký cổ vật vào Luật nhưng không được, vì muốn đăng ký cổ vật phải tổ chức giám định trước, trong khi giám định cổ vật tại Việt Nam lúc đó lại chưa phát triển. Theo Gs Nguyễn Minh Thuyết, “nếu không đăng ký cổ vật thì sẽ không quản lý được. Thực hiện đăng ký cổ vật cũng sẽ góp phần ngăn chặn nạn chảy máu cổ vật”. Ts Phạm Quốc Quân đồng tình: nếu làm tốt khâu đăng ký cổ vật, các địa phương và ngành văn hóa có thể nắm chắc số lượng cổ vật tư nhân hiện có, thuộc chủng loại và chất liệu gì, mức độ quý hiếm đến đâu… để có định hướng phát triển phù hợp; đồng thời giúp bảo vệ một số sưu tập tư nhân đang có nguy cơ bị hủy hoại do tác động của thời tiết.

Việc Bộ VH, TT và DL ban hành Thông tư 22 ngày 30.12.2011, quy định điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật, đã giúp công tác quản lý nhà nước về cổ vật có những căn cứ cụ thể hơn. Trong bối cảnh chúng ta chưa có chuyên gia thẩm định, đánh giá cổ vật, hội viên các hội cổ vật sẽ là chỗ dựa tư vấn về chuyên môn cho Sở VH, TT và DL trong các hoạt động quản lý nhà nước về cổ vật. Nếu tập hợp được lực lượng này, sẽ có một đội ngũ giám định mạnh, đáp ứng những yêu cầu chuyên môn đặc thù và sự tin tưởng của xã hội.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.