Nghiêm khắc mà nói, “dân chủ hình thức” đang là “trọng bệnh” trong hệ thống quan chức các cấp của Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Mà phải giả vờ dân chủ vì tệ quan liêu, xa dân cũng chính là một thứ “đồng bệnh tương lân”. Quan liêu xa dân vì ngại sự cọ xát với thực tế với những nhận xét tinh tường của người dân, “họ chẳng những trông thấy những người tốt, việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu việc xấu trong Đảng” như Bác Hồ đã chỉ ra. Trong công tác bầu cử, quan liêu xa dân còn vì sợ sự tuyển chọn trực tiếp của dân trong việc tìm người đại diện cho mình tại “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất”.
Chính vì thế mà cách đây 60 năm, Bác Hồ đã đòi hỏi: “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian. Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”. Hơn ở đâu hết, bầu cử Quốc hội, từ khâu đề cử ứng cử, hiệp thương lựa chọn để lập danh sách ứng viên đưa ra dân bầu càng “phải từ dưới nhoi lên”. Liệu chúng ta đã làm đúng như lời chỉ dẫn đó chưa, nhất là khi mà sau sáu mươi năm chiến đấu và rèn luyện, trình độ và bản lĩnh của dân chúng phần đông đều đã được nâng cao.
Mục tiêu dân chủ mà cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII đặt ra là phát huy tinh thần trách nhiệm và quyền của cử tri trong việc kiện toàn cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Để đạt được mục tiêu đó, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử phải thực sự dân chủ từ những việc làm nhỏ nhất như phát biểu của một Phó Chủ tịch Quốc hội khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử mà báo NĐBND đã đưa tin.
Để nhìn nhận quá trình “thực sự dân chủ từ những việc làm nhỏ nhất” đó, xin gợi ra một vài hiện tượng cần suy nghĩ. Chẳng hạn, đã xuất hiện việc một số người tự ứng cử rút khỏi danh sách với nhiều lý do tế nhị. Đó là quyền của họ. Và rồi cũng phải xem chuyện đó là bình thường. Thế nhưng, sẽ là không bình thường nếu nhiều người mà dư luận công chúng vui mừng đón nhận việc tự ứng cử của họ sẽ tiếp tục tự rút lui với những lý do không tiện nói ra. Không bình thường vì hiện tượng đó gây nên một tâm lý hụt hẫng, thất vọng trong công chúng, làm giảm sút nhiệt tình đón chờ “ngày hội của toàn dân” họ tin là đang có nhiều hứa hẹn. Mà nét khởi sắc được dư luận đánh giá cao là số người tự ứng cử kỳ này nhiều hơn hẳn mọi kỳ trước.
Rồi, quả là không bình thường ngay cả khi một người có dự định tự ứng cử đại biểu Quốc hội để “cống hiến trí tuệ, tâm huyết và kinh nghiệm của mình cho đất nước”, báo chí đã đưa tin và công chúng cũng hân hoan đón nhận dự định đó của ông, vì họ đã đánh giá cao những việc đã làm và nhân cách của ông, họ muốn Quốc hội cần có nhiều người như ông, thế rồi họ thất vọng vì bỗng nhiên ông từ bỏ ý định tốt đẹp đó chỉ “vì gia đình muốn ông về nghỉ”. (báo “Lao Động” 23.3.07). Công chúng biết đến ông về những ý kiến thẳng thắn và mạnh dạn ông đặt ra tại Đại hội X mà báo chí đã đưa tin. Dạo ấy đã có bài viết về “Người đại biểu Đại hội” nhìn nhận phẩm chất và ý kiến của ông. Nay, biết ông “tự rút lui” (?) đơn giản chỉ “vì gia đình muốn ông về nghỉ”, người ta sẽ nêu câu hỏi: thế là ông đặt gia đình cao hơn tổ quốc và nhân dân sao? Liệu ông có còn là ông nữa không, khi không đặt Tổ quốc trên hết! Thế là “tế nhị” mà thành ra “mất lòng dân”, buộc phải chịu “mất cả chính mình”. Thật khổ cho ông.
Vậy liệu những hiện tượng này có nằm trong “từ những việc làm nhỏ nhất” trong quá trình chuẩn bị bầu cử mà vị Phó Chủ tịch Quốc hội đề cập ở trên không? Nhân “những chuyện nhỏ” nói trên mà bàn thêm về “dân chủ thực sự” chứ không thể “dân chủ hình thức”.
Từ “dân chủ” có gốc từ cội nguồn Hy Lạp, kratia là quyền và demos là dân, “democratie” trong tiếng Pháp và “democracy” trong tiếng Anh đều có ý nghĩa là chế độ dân chủ. Gợi lại cái gốc Hy Lạp để hiểu thêm rằng “Các nhà sử học về cổ Hy Lạp nhấn mạnh trên một chữ nằm tận trong thâm sâu của tư tưởng Hy Lạp, trong kịch, trong thực tiễn sống động của tổ chức dân chủ ở Athènes, trên chính nhan đề quyển sách của Platon: dialogue, đối thoại…. Tinh túy của dân chủ nằm gọn trong câu xướng mở đầu tranh luận của việc điều hành các buổi họp trong nền dân chủ trực tiếp Athènes: “Ai muốn phát biểu”. Trong ecclesia-hội đồng dân chúng - ai cũng có quyền phát biểu và phát biểu tự do. Tranh luận đưa tới quyết định về mọi vấn đề, vì dân chủ trực tiếp thì không thông qua đại diện…Dân chủ là một chế độ trong đó công dân thực sự có quyền chỉ trích, chất vấn trực tiếp và tự do một thiểu số nắm quyền trong thực tế. Tinh túy dân chủ ở Athènes là isegoria, quyền nói ngang nhau, và sự sử dụng quyền tự do đó trên thực tế... Giữa ông tướng lĩnh sáng chói là Périclès và một người thường, không ai hơn ai trong quyền nói, ai cũng có thể đề nghị truất ông mà không chút sợ hãi” (Cao Huy Thuần).
Nhắc lại cái gốc Hy Lạp của phạm trù dân chủ để nói rằng, cần có sự kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Mà trong thục tiễn, Hồ Chí Minh là người đã làm được sự kết hợp đó một cách nhuần nhuyễn và đã phát huy được sức mạnh của sự kết hợp đó. Khi dùng dân chủ đại diện, Hồ chí Minh đã không hoàn toàn theo Mác, cũng không hoàn toàn theo Lênin, không chấp nhận mô hình dân chủ hội đồng, tức là dân chủ Xô Viết. Hồ Chí Minh đã vận dụng những thành tựu của dân chủ Phương Tây có lựa chọn để chỉ đạo tổ chức cuộc bầu cử theo mô hình bầu cử đại diện của một số nước Âu Mỹ với sự vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn nước mình. Dùng được thành quả mà không vào khuyết tật, nên chỉ một năm sau khi giành được chính quyền đã thực hiện tốt cuộc bầu cử 6.1.1946 thắng lợi.
Làm được như vậy vì Hồ Chí Minh nắm vững thực chất của dân chủ trực tiếp là phát huy vai trò chủ động của dân tộc, của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước của mình. Nhà nước không chỉ lấy nguồn gốc quyền lực của mình ở dân, không chỉ chịu sự kiểm tra thường xuyên của dân, không chỉ phải gần dân, thân dân, hiểu sâu sắc nguyện vọng của dân, mà còn phải biết cách khơi nguồn trí tuệ của dân, xem đó là sức sống của chính mình. Trí tuệ, sáng kiến của dân góp phần quan trọng vào việc hoàn chỉnh luật lệ và chính sách của nhà nước.
Thiết thực học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tổ chức và chỉ đạo cuộc bầu cử Quốc hội kỳ này là biết vận dụng một cách nhuần nhuyễn thực chất của dân chủ để thể hiện thực chất nội dung đó trong triển khai dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Nhân dân bầu người đại diện cho mình thực thi quyền lực của mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, đó là thực hành dân chủ đại diện. Thế nhưng, để thực thi quyền dân chủ đại diện ấy bằng lá phiếu bầu của cử tri, sau khi họ đã được tự do tìm hiểu, lựa chọn và chủ động quyết định ghi tên hay gạch tên những ứng viên sẽ đại diện cho mình ở Quốc hội thì không hoàn toàn chỉ là dân chủ đại diện, không thể chỉ là đại diện tiến hành. Quá trình dẫn đến ngày cử tri bỏ lá phiếu vào thùng phiếu, cần phải tận dụng tối đa phương thức dân chủ trực tiếp. Trực tiếp ở đây chính là cử tri phải được tham gia vào quá trình hình thành nên danh sách ứng viên đưa ra bầu. Có nhiều cách tham gia để thể hiện được rằng, quá trình đó là dân chủ thực sự.
Nếu hành vi chuẩn bị bầu cử được dẫn dắt bởi áp lực đến từ bên ngoài bằng nhiều thủ thuật quen thuộc mà không cần tinh ý lắm cũng nhận ra ngay, thì ý nghĩa dân chủ đại diện sẽ mất đi, hoặc thu hẹp, rất hẹp lại, là những người được bầu chỉ đại diện cho một số người tham gia vào việc chọn lựa đó, chứ chưa phải là đại diện cho cử tri cầm lá phiếu trong tay. Chuyện “bầu cử trước bầu cử” đã từng xảy ra trước đây, nay cần phát huy dân chủ trực tiếp để ngăn chặn không để lặp lại. Đương nhiên, phát huy được đến đâu thì còn tùy thuộc vào kết quả của việc “Cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân” đã đạt đến đây. Nhưng, điều quan trọng nhất là phải cố gắng tối đa trong việc phát huy dân chủ trực tiếp vì, biểu hiện cụ thể và dễ kiểm nhận nhất của “dân chủ thực sự” là ở đấy. Chẳng hạn như, muốn cử tri chủ động quyết định sự lựa chọn của mình trong việc tìm ra người mình sẽ “chọn mặt gửi vàng” thì phải có người để cử tri lựa chọn. Nghĩa là phải có số dư trong danh sách bầu cử, để hai chọn một, ít ra thì cũng ba chọn hai, sáu chọn bốn v.v... Rồi nữa, muốn chọn thì phải biết người mình định chọn là ai, họ có tài năng đức độ ra sao.
Lối mòn quen thuộc qua tự thuật lý lịch của họ. Bản lĩnh và trình độ dân trí của cử tri đã được nâng cao hoàn toàn có thể vận dụng những phương thức sinh động hơn, chính xác hơn chứ không nên theo mãi lối mòn ấy. Phải để cho cử tri “tai nghe mắt thấy” bằng sự trình bày chương trình hành động (đúng ra nên gọi là cương lĩnh tranh cử) của từng ứng viên để cử tri có thể phát biểu, chất vấn. Tốt hơn nữa là tranh luận giữa các ứng viên trước đông đảo cử tri sẽ bầu mình đại diện cho họ. Qua trình bày, qua tranh luận của các ứng viên, giữa các ứng viên, cử tri hiểu được ai sẽ là người xứng đáng đại diện cho mình. Dân chủ thực sự chính là những chất vấn, những tranh luận ấy. Viện dẫn đến gốc Hy Lạp của từ dân chủ trên đây cũng chỉ nhằm để nói về vấn đề này.
Gần đây hơn, Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi trong cuốn tự thuật của mình “Con đường dài dẫn đến tự do” đã nói đến bài học dân chủ: “Bất cứ ai muốn phát biểu đều có thể nói. Đó là dân chủ trong hình thức thuần túy nhất”. Phải chăng nhà cách mạng đang kính của nhân dân Nam Phi muốn gợi lại ý tưởng của Voltaire, người được xem là “người phát ngôn của tự do công dân” của thế kỷ “ánh sáng”: “Tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó” (The Enlightenment. Age of Reason).
Cũng trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh nói nôm na và đơn giản: “Dân chủ là để cho dân mở miệng ra. Dân chủ là đừng bịt miệng dân”. Có dân chủ thực sự hay không, không nên căn cứ vào lời nói mà căn cứ vào hành động thực hiện chỉ dẫn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tương Lai