
Mãn nhãn và tự hào
Xuất phát từ Bình Dương lúc 22 giờ lên TP. Hồ Chí Minh, gia đình anh Nguyễn Hoài Phong tập trung ở khu vực Hồ Con Rùa và thức xuyên đêm để chờ đón Lễ diễu binh, diễu hành sáng 30.4. Chuẩn bị cho chuyến đi này, cả gia đình đã lên kế hoạch từ sớm, tìm hiểu về các vị trí để có thể đón xem màn diễu binh, diễu hành được đẹp nhất. Được hòa chung dòng người đón mừng ngày hội của đất nước, anh cảm thấy rất phấn khởi xen lẫn niềm tự hào.
Anh Phong cho biết, các thành viên trong gia đình, nhất là 2 người con rất thích thú với màn biểu diễn của phi đội máy bay trực thăng mang theo cờ Tổ quốc; cùng phi đội máy bay tiêm kích chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam trên bầu trời trung tâm Tp. Hồ Chí Minh.
“Nếu xem qua tivi sẽ theo dõi được tổng thể chương trình, nhưng gia đình muốn đến trực tiếp để được hòa chung bầu không khí hân hoan, khí thế trong ngày đại lễ của dân tộc. 50 năm mới có một lần nên chúng tôi muốn các con có trải nghiệm ý nghĩa này. Đồng thời thông qua đó, tôi mong muốn các con hiểu hơn về lịch sử truyền thống của dân tộc, biết ơn các thế hệ đi trước đã hy sinh cho hòa bình hôm nay, hiểu được ý nghĩa, giá trị của độc lập tự do”, anh Nguyễn Hoài Phong chia sẻ.
Từ thành phố Pleiku (Gia Lai), bác Phùng Văn Trọng vào TP. Hồ Chí Minh từ ngày 26.4 để tham dự các hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bác có mặt ở khu vực đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ tối 29.4 để chờ đón giờ phút diễn ra lễ chính thức.
“Tận mắt chứng kiến màn diễu binh, diễu hành của các lực lượng, tôi thấy các thế sau của đất nước rất tuyệt vời, tiếp bước vẻ vang truyền thống cha anh đi trước. Tôi rất xúc động, tự hào khi được cùng người dân ở mọi miền Tổ quốc hướng về đây”, bác Trọng chia sẻ.
Thương binh Trần Văn Trường (thành phố Vinh, Nghệ An) đến TP. Hồ Chí Minh tối 29.4, háo hức cả đêm chuẩn bị tham gia lễ kỷ niệm, chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành của các lực lượng. Gia đình ông Trường có 3 anh em cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh; trong đó, ông thuộc Sư 341 (Quân đoàn 4) tham gia trận đánh ở Xuân Lộc. “50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi mới quay lại TP. Hồ Chí Minh.
Là thương binh với thương tật nặng, đi lại khó khăn nhưng tôi muốn đến đây để tận mắt chứng kiến, hòa mình cùng niềm vui của dân tộc. Với sự đón tiếp nồng nhiệt của những người dân và các bạn trẻ, chúng tôi cảm thấy rất vui. Chúng tôi mong muốn các thế hệ sau tiếp nối truyền thống vẻ vang mà các thế hệ đi trước đã gây dựng”, ông Trường tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Hạnh (56 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) cùng con trai đến khu vực trung tâm thành phố từ 22 giờ ngày 29.4 để đón chờ xem lễ diễu binh. Cô Hạnh cho biết, đây là lần đầu tiên cô được xem lễ diễu binh, diễu hành và rất xúc động, tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, cô ấn tượng với màn thả bẫy nhiệt rất hoành tráng và rực rỡ; lần đầu tiên được xem trực tiếp trực thăng kéo cờ Tổ quốc trên bầu trời mang tên Bác.

Cảm nhận đặc biệt của du khách quốc tế
Trong dòng người theo dõi buổi lễ sáng nay còn có nhiều khách du lịch đến từ các quốc gia. Theo dõi sự kiện, ông Alfred Cheng (56 tuổi, du khách đến từ Hong Kong) cho biết, đứng giữa “biển người” sôi động ở trung tâm thành phố, ông cảm thấy kinh ngạc khi hàng ngàn người Việt Nam tập trung để kỷ niệm sự kiện lịch sử này. Chính năng lượng tích cực và sự đoàn kết của người dân là minh chứng cho tinh thần bền bỉ của một quốc gia. Sự đoàn kết đó có thể tạo ra những khoảnh khắc tuyệt vời.
Là một người nước ngoài sống ở Việt Nam, Joe Smith (32 tuổi, Hoa Kỳ) chia sẻ: “Chứng kiến sự chuyển mình đáng kinh ngạc của Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh khiến tôi tràn đầy niềm vui. Thật đáng trân trọng khi thấy một quốc gia vươn lên từ những thử thách với một tương lai tràn đầy hy vọng".
Cũng đến từ Hoa Kỳ, ông George Zawisza cho biết, đây là lần thứ 2 ông đến Việt Nam và lần đầu tiên đến TP. Hồ Chí Minh đúng dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. "Tôi đã từng phục vụ trong quân đội, huấn luyện để chờ tham gia vào chiến tranh ở Việt Nam, nhưng thật may là mọi chuyện kết thúc. Tôi không phải tham chiến. Đến TP. Hồ Chí Minh, tôi thấy thành phố và con người ở đây thật tuyệt vời. Tôi rất vui khi ở đây những ngày này".
Trong sự kiện đặc biệt này, TP. Hồ Chí Minh vinh dự đón 169 phóng viên thuộc 58 cơ quan báo chí nước ngoài đến tác nghiệp. Trong số đó có người lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng cũng có nhiều phóng viên nước ngoài đã rất gắn bó với đất nước hình chữ S. Ông Nick Út, cựu phóng viên chiến trường của Hãng thông tấn AP là một trường hợp đặc biệt. Ông là người từng đoạt giải báo chí Pulitzer về bức ảnh "Em bé Napalm", phơi bày sự tàn khốc trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ.
Ông Nick Út cho biết, ông là phóng viên chiến trường của AP từ thời chiến tranh Việt Nam và đã đi rất nhiều chiến trường... Sau 50 năm giải phóng, dù vẫn thường về Việt Nam nhưng ông nhận thấy đất nước mỗi năm một đổi mới. “Đất nước sau 50 năm giải phóng đã có rất nhiều đổi thay. Một đất nước hòa bình đã đem lại nhiều điều tốt đẹp cho người dân. Tình yêu đất nước của con người Việt Nam thể hiện đậm nét trên đường phố trong những ngày gần đây. Mọi người mặc áo đỏ sao vàng, vẽ cờ lên má… Đó là những hình ảnh rất ấn tượng và đáng nhớ”, ông Nick Út chia sẻ.
50 năm trước, ông Pavel Suian, phóng viên của Clever Group (Romania) cũng có mặt ở TP. Hồ Chí Minh, đó là thời điểm 2 tháng sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng và tình cờ trở lại sau đúng nửa thế kỷ. Ông Pavel Suian chia sẻ, ông bắt đầu ngưỡng mộ cuộc chiến đấu của Việt Nam vì độc lập, thống nhất và đã chuẩn bị trong nhiều năm để viết một cuốn sách về Việt Nam. Năm 2024, ông cũng đã xuất bản một cuốn sách về Việt Nam và đã được dịch sang Tiếng Việt...
“Tôi đã theo dõi sự phát triển kinh tế gần đây của Việt Nam và rất ấn tượng. Tôi không thể tin rằng trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, các bạn đã thành công xây dựng được nhiều thứ. 50 năm trước, tôi đã ở Sài Gòn, đó là thời điểm 2 tháng sau khi giải phóng. 50 năm sau, tình cờ tôi lại trở lại và ở trong một Thành phố hoàn toàn khác, một đất nước hoàn toàn khác so với thời điểm đó. Đối với tôi, hôm nay là một khoảnh khắc tuyệt vời khi được cùng chứng kiến lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng, thống nhất đất nước của các bạn”, ông Pavel Suian chia sẻ.