Trong cảnh báo, Đại học Kinh tế Quốc dân đính kèm 2 hình ảnh văn bản của các đối tượng lừa đảo dưới danh nghĩa “Thông báo giao lưu sinh viên quốc tế chương trình liên kết đào tạo chứng chỉ chuyên ngành” và “Thông báo về chương trình trao đổi sinh viên với Trường Đại học Melbourne năm học 2024-2025” được gửi tới sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân.
Theo đó, tại một thông báo lừa đảo về vấn đề giao lưu sinh viên quốc tế chương trình liên kết đào tạo chứng chỉ chuyên ngành cho biết “kỳ giao lưu sinh viên quốc tế thuộc khóa K66 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là kỳ giao lưu dựa trên học bổng Chính phủ, được tài trợ và chu cấp về sinh hoạt phí và học phí. Sinh viên đủ điều kiện xét tuyển nộp hồ sơ học lực và chứng chỉ học phần liên quan tại văn phòng quản lý đào tạo nhà trường. Sinh viên lấy minh chứng tài chính qua 2 phương thức: sao kê điện tử nộp qua gmail nhà trường; sao kê giấy nộp trực tiếp tại phòng quản lý đào tạo nhà trường: Phòng 204, tòa A4, sảnh C, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân”. Tuy nhiên, trên thực tế, Đại học Kinh tế Quốc dân không có tòa nhà A4.
Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định không ban hành các văn bản có các nội dung trên. Sinh viên và gia đình cần hết sức cẩn trọng để tránh bị lừa đảo.
Trước đó, nhiều trường đại học trên cả nước cũng đã liên tục phát cảnh báo, lưu ý sinh viên cảnh giác về các hình thức lừa đảo dưới dạng thông báo sinh viên trúng tuyển học bổng, giả mạo thông tin họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế,... xuất hiện ngày càng nhiều.
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phát cảnh báo sinh viên về hình thức lừa đảo dưới dạng thông báo sinh viên trúng tuyển học bổng, yêu cầu đóng khoản phí để được xét duyệt.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng phát đi cảnh báo tới sinh viên, cho biết gần đây đã xuất hiện một số phương thức lừa đảo mới nhắm vào sinh viên, học sinh có mong muốn được học tập tại nước ngoài. Các đối tượng lừa đảo sẽ gọi qua số điện thoại đến nạn nhân, sau đó sẽ tiến hành liên lạc trực tiếp như văn bản. Các chương trình này yêu cầu người tham gia phải đóng khoản phí từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng để tham gia.
Tại Trường Đại học FPT cũng xuất hiện hình thức lừa đảo văn bản giả mạo nhà trường, thông báo chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản được gửi đến sinh viên. Để tham gia chương trình, các đối tượng yêu cầu sinh viên phải chứng minh khả năng tài chính, cụ thể cần có tiền là 120 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng để lấy biên bản sao kê nộp cho nhà trường.
Các trường đại học đều khẳng định không ban hành các văn bản thông báo nêu trên. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân không lợi dụng thương hiệu, hình ảnh nhà trường để tiến hành các hoạt động nội dung trái phép vi phạm pháp luật, chưa được sự đồng ý bằng văn bản của trường.