Vì sao đề xuất thiết kế mô hình đại học đa lĩnh vực?
GS. Lâm Quang Thiệp,Trường Đại học Thăng Long cho biết, Đại hội Đảng lần thứ VI đã quyết định chuyển đổi kinh tế xã hội nước ta từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đánh dấu bước đầu thời kỳ “đổi mới”. Sau khi thống nhất, Giáo dục đại học cả nước được xây dựng theo mô hình giáo dục đại học (GDĐH) của Liên Xô.
Theo đó, hệ thống đó có các đặc điểm chính như: Hệ thống trường đại học tách biệt với hệ thống các viện nghiên cứu khoa học mạnh, mà trên cùng của hệ thống nghiên cứu là Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô; phần lớn các trường đại học là các trường đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực; Quy trình đào tạo cấp đại học thường liền một mạch, 4 đến 6 năm, theo hướng chuyên ngành rất hẹp.
Vào đầu thập niên 1990, Chính phủ chủ trương xây dựng một số trường đại học mạnh cho nước ta phục vụ quá trình đổi mới, Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế các đại học này. Theo yêu cầu đó, Bộ đã đề nghị xây dựng hai đại học quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ba đại học vùng Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng theo mô hình đại học đa lĩnh vực. Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long Trường Đại học Cần Thơ đã duy trì mô hình đại học đa lĩnh vực vốn có từ trước năm 1975.
Tại sao đề xuất thiết kế theo mô hình đại học đa lĩnh vực? GS. Lâm Quang Thiệp phân tích, phần lớn đại học 4 năm ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây được tổ chức theo mô hình đại học đa lĩnh vực, mô hình trường đại học có hiệu quả cao nhất, vì các lý do sau:
Thứ nhất, các đại học đa lĩnh vực sẽ đảm bảo đào tạo tốt mảng kiến thức “giáo dục khai phóng” (hoặc “giáo dục đại cương”) , xu hướng GDĐH chủ đạo ở Hoa Kỳ, vì chỉ trong các university mới có đủ đội ngũ giáo sư, giảng viên có trình độ cao để giảng dạy tốt mảng kiến thức này.
Thứ hai, các đại học đa lĩnh vực có ưu thế về nghiên cứu và phục vụ xã hội, vì ngày nay các đề tài nghiên cứu lớn đều là các đề tài có tính liên ngành, các hoạt động phục vụ xã hội cũng vậy.
Thứ ba, đại học đa lĩnh vực bao gồm nhiều ngành đào tạo khác nhau dễ đối phó với sự biến động về nhu cầu nhân lực của từng nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Chính vì ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực nên khi chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, nhiều nước đã chuyển từ trường đại học đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực sang đại học đa lĩnh vực.
Ở Liên bang Nga, phần lớn các đại học đơn ngành đơn lĩnh vực thời Liên Xô cũ với tên gọi “inxtitut” chuyển sang mô hình đa lĩnh vực và đặt lại tên là “universitet” hoặc “academia”.
Ở Trung Quốc Đại học Bắc Kinh vốn bao gồm các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội kiểu “universitet” của Liên Xô cũ, cũng như Đại học Thanh Hoa vốn là một đại học bách khoa với lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp, đều đã mở bổ sung thêm nhiều lĩnh vực khác để trở thành các “university” đa lĩnh vực theo kiểu phương Tây.
Luật Giáo dục đại học 2018 đã nói rõ khái niệm “Đại học”
Theo GS. Lâm Quang Thiệp, vào đầu thập niên 1990 phần lớn các trường đại học nước ta có quy mô rất nhỏ, cỡ trên dưới 1000 sinh viên, nên việc xây dựng các đại học đa lĩnh vực phần lớn được triển khai theo hướng sáp nhập một số trường đại học đơn lĩnh vực.
Khó khăn này không những nảy sinh đối với các trường đại học được sáp nhập mới từ các trường đơn ngành, đơn lĩnh vực, mà còn cả đối với các trường đại học thuộc đại học đa lĩnh vực trước đây.
Theo mô hình đại học hai cấp, hoạt động trong các trường thành viên hầu như vẫn giữ như cũ, sự kết nối giữa các trường thành viên với nhau rất lỏng lẻo, hình thức.
Cơ chế “hai cấp” của các đại học đa lĩnh vực thậm chí đã được khẳng định và gắn với khái niệm “đại học” ở Luật GDĐH năm 2012, chỉ được xóa bỏ trong Luật GDĐH năm 2018.
Theo Luật GDĐH 2012: “Đại học” “là cơ sở giáo dục đại học bao gồm tổ hợp các trường cao đẳng, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của GDĐH.”;
Còn theo Luật GDĐH 2018: “là cơ sở GDĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung”.
Mô hình university
GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, việc thay đổi định nghĩa “đại học” ở Luật GDĐH năm 2018 so với Luật GDĐH 2012 đã nêu ở mục 3 có thể xem như một gợi ý về giải pháp khắc phục các vấn đề về mô hình đại học quốc gia và đại học vùng.
Định nghĩa ở Luật GDĐH 2018 đã bỏ khái niệm “hai cấp”, tức là không khuyến khích sự tồn tại cấp quản lý trung gian của “đại học”, một cơ chế gây nhiều vấn đề và mâu thuẫn.
Định nghĩa mới cũng nhấn mạnh tính “nhiều lĩnh vực” và “cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung” của đại học, tức là quy định đại học phải tạo nên một sự gắn kết chặt chẽ chứ không thể thả nổi cho một sự liên kết lỏng lẻo và hình thức như hiện nay.
Theo GS.TS Lâm Quang Thiệp, các đại học quốc gia và đại học vùng nước ta nên xây dựng theo mô hình university thực sự, chứ không nên sử dụng mô hình đại học hai cấp. Muốn vậy, tùy theo điều kiện cụ thể nên xử lý một đại học hai cấp nào đó theo một trong hai giải pháp:
Thứ nhất, Cho phép các trường thành viên đơn ngành đơn lĩnh vực phát triển thành các “university”, và đại học hai cấp biến thành một tập đoàn các “university” với sự liên kết không quá chặt chẽ theo kiểu “University of California” hoặc “California State University” của bang California, Hoa Kỳ.
Thứ hai, Đại học hai cấp chuyển thành một “university” đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp, toàn bộ “university” có một chương trình đào tạo chung, cũng như các chương trình nghiên cứu và phục vụ xã hội phối hợp chặt chẽ với nhau, như kiểu Trường Đại học Cần Thơ và một số đại học đa lĩnh vực khác ở nước ta.
GS.TS Lâm Quang Thiệp cho hay, trong văn bản góp ý của WB, các chuyên gia GDĐH của WB cũng đề xuất các giải pháp là “trong “university” nên có các trường (schools, institutes, faculties) chứ không phải các “university”. Họ còn nêu một cách tiếp cận khác, ưu tiên thấp hơn, nhưng vẫn tốt hơn hiện trạng, là: “cho phép giám đốc đại học lớn được lựa chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng các trường thành viên và có toàn quyền phân phối ngân sách cho các trường thành viên, cũng như có quyền lực trong việc bổ nhiệm các chức vụ học thuật và quản lý cao cấp trong các trường thành viên”.
GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, giải pháp đề xuất của trên đây sẽ có hiệu quả càng cao nếu tinh thần tự chủ đại học theo tinh thần của Luật GDĐH năm 2018 càng được quán triệt. Ở nước ta, khái niệm “tự chủ” của các cơ sở GDĐH lần đầu tiên đã được đưa vào Luật Giáo dục năm 1998.
Sau đó, công cụ quan trọng để thực hiện tự chủ đại học là “hội đồng trường” đã lần đầu tiên được đưa vào ở Điều lệ Trường Đại học năm 2003 và liên tiếp khẳng định trong các luật Giáo dục và luật GDĐH sau đó.
Cơ chế “bộ chủ quản”, một cản trở trở đối với quá trình tự chủ đại học, đã được qui định xóa bỏ tại Điều 3e trong Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về đổi mới GDĐH.
Và gần đây nhất, Luật GDĐH năm 2018 cũng dành trọn Điều 32 để quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của “cơ sở GDĐH”, tức là của các đại học cũng như các trường thành viên.