Hội thảo đã nghe báo cáo phân tích số liệu Điều tra dân số giữa kỳ 2014 về tình hình người cao tuổi và già hóa dân số của Tổng cục Thống kê. Theo đó, đến năm 2014, số người cao tuổi tại Việt Nam là 9,4 triệu người, chiếm 10,5% tổng dân số, trong đó hơn 1,8 triệu người từ 80 tuổi trở lên, chiếm 19,3% tổng số người cao tuổi. Tỷ số già hóa tính cho dân số từ 60 tuổi trở lên là 43,3% (khoảng 100 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 43,3 người già từ 60 tuổi trở lên) và dự kiến trong 10 năm nữa, tỷ số này sẽ là 61,1%, đến năm 2034 sẽ là 96,7%, tức là cứ 1 trẻ em có gần 1 người già.
Tuy nhiên, điều kiện sống của người cao tuổi ở Việt Nam còn thấp. Tính đến tháng 6, tỷ lệ bao phủ lương hưu, trợ cấp xã hội của người cao tuổi chỉ đạt 37,4%, khoảng 4,154 triệu người. Về chăm sóc sức khỏe, hiện trên cả nước mới thành lập được 49 lão khoa tại 30 tỉnh và 14 bệnh viện Tung ương. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người cao tuổi quá thấp, chỉ chiếm 55%; còn 14% số xã, phường, thị trấn chưa xây dựng được Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Hệ quả là chỉ có khoảng 1,9 triệu người cao tuổi được phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe; 11% được khám sức khỏe định kỳ; 3,1% được cán bộ trạm y tế xã khám chữa bệnh tại nhà.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để chuẩn bị tốt cho tiến trình già hóa dân số, Việt Nam cần đổi mới quan điểm toàn diện về người cao tuổi, coi người cao tuổi là một lợi ích và nguồn lực cho phát triển chứ không phải gánh nặng xã hội. Đồng thời, các chính sách và chương trình về người cao tuổi cần bảo đảm và thực thi đầy đủ quyền của người cao tuổi; có chính sách toàn diện về an sinh và phúc lợi cho người cao tuổi, để họ được tôn trọng, tiếp tục tham gia vào đời sống xã hội như những lứa tuổi khác.