Những con số đáng mừng
Theo Báo cáo kết quả triển khai công tác Truyền thông - Giáo dục giai đoạn 2011 - 2015 của Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Thái Bình, cuối tháng 8 vừa qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Xe tuyên truyền lưu động của Chi cục Dân số tỉnh Thái Bình đi tuyên truyền tại cơ sở |
Năm 2014 là năm thứ 14 tỉnh Thái Bình giữ vững mục tiêu duy trì mức sinh thay thế với tổng tỷ suất sinh đạt 2,03 con. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 7,80%o, tỷ suất sinh thô đạt 14%o. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi. Dịch vụ KHHGĐ từng bước đáp ứng yêu cầu đa dạng, thuận tiện và được nâng cao về chất lượng. Hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ được củng cố và phát triển. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đạt 78%. Đề án 52 về “Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển” tại 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải được triển khai hiệu quả...
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở rất coi trọng và tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, hấp dẫn, làm chuyển biến nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình. Chi cục Dân số - KHHGĐ Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tuyên truyền về Pháp lệnh số 06/2003/PL-UBTVQH11 ngày 09.01.2003 của UBTVQH về dân số; Pháp lệnh số: 08/2008/UBTVQH12 ngày 27.12.2008 của UBTVQH sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 04.7.2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 và Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 09.7.2009 của HĐND tỉnh về phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác DS - KHHGĐ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015.
Có được những kết quả tích cực trong công tác truyền thông - giáo dục dân số giai đoạn 2011 - 2015, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở… phải kể đến những mô hình truyền thông hay, sáng tạo, lan tỏa và làm thay đổi nhận thức cộng đồng dân cư của tỉnh. Mà tiêu biểu, phải kể đến mô hình truyền thông điểm và truyền thông dân số qua mạng xã hội Facebook. Có thể xem, đây là hai “đặc sản” của công tác truyền thông dân số, KHHGĐ và sức khỏe sinh sản của Thái Bình.
Hội nghị sơ kết DS - KHHGĐ 6 tháng đầu năm 2015 tại xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, Thái Bình (xã điểm mô hình truyền thông) |
Mô hình truyền thông điểm ở các xã nông thôn mới
Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Thái Bình Vũ Đức Điến cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28.4.2011 của BCH Đảng bộ tỉnh Thái Bình về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Thái Bình, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình truyền thông điểm ở các xã nông thôn mới. Đến nay mô hình đã triển khai và thực hiện ở 32 xã trong toàn tỉnh.
Các xã thực hiện mô hình truyền thông điểm được Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Thái Bình hỗ trợ: - Cán bộ Dân số xã và cộng tác viên (CTV) được dự lớp tập huấn 01 ngày về cách viết tin, bài, kỹ năng truyền thông chuyển đổi hành vi về DS - KHHGĐ, kỹ năng tư vấn, kỹ năng vận động… - Tham mưu cho Đảng ủy xã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác DS - KHHGĐ, UBND xã có chương trình hành động thực hiện nghị quyết chuyên đề về DS - KHHGĐ của Đảng ủy. - Hỗ trợ kinh phí viết tin bài, tăng thời lượng phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh xã. - Làm mới 01 cụm pano kích thước 2m x 4m, 10 pano nhỏ kích thước 0,6 m x 1,5m treo ở các cột điện nơi trung tâm, có đông người qua lại, mặt pano được in bằng bạt 2 mặt hình ảnh và thông điệp tuyên truyền về DS - KHHGĐ (theo ma két của Chi cục Dân số tỉnh) - Trang bị 1 tủ truyền thông bằng sắt (hoặc gỗ) - kính. - Thành lập đội văn nghệ tuyên truyền về DS - KHHGĐ, dàn dựng ít nhất 1 tiểu phẩm hài, các làn điệu chèo tự biên về DS/SKSS/KHHGĐ, các bài hát về dân số, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước… tổ chức biểu diễn ở các thôn, các hội nghị của xã… - 8/32 xã được cấp bộ phương tiện truyền thông gồm 02 loa nén, 01 đài catssete, 01 amply, 01 micro; 16/32 xã được cấp toa giúp cho cán bộ dân số xã tổ chức các hội nghị truyền thông. |
Qua khảo sát, kiểm tra, đánh giá, tại hầu hết các xã thực hiện mô hình Truyền thông điểm, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác DS - KHHGĐ được nâng lên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối kết hợp các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương về công tác DS - KHHGĐ được tăng cường, trình độ tổ chức các hoạt động và kỹ năng truyền thông, tư vấn, vận động của đội ngũ cán bộ chuyên trách, CTV dân số và cán bộ các ngành, đoàn thể của địa phương về công tác truyền thông Dân số/SKSS /KHHGĐ được nâng cao, đầu tư nguồn lực của địa phương cho công tác Dân số - KHHGĐ được tăng cường.
Các chỉ tiêu, kế hoạch về DS - KHHGĐ được hoàn thành và hoàn thành vượt mức tiến tới ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt đội văn nghệ xung kích bằng các tiểu phẩm hài, các làn điệu chèo mượt mà, sâu lắng làm cho việc tuyên truyền về DS/SKSS/KHHGĐ được đông đảo quần chúng nhân dân chấp thuận, ủng hộ.
Truyền thông dân số qua mạng xã hội
Bắt nhịp thời đại công nghệ thông tin, công tác Dân số - KHHGĐ đã tạo dựng một mạng xã hội Facebook để tương tác thông tin về các vấn đề dân số. Có thể nói, đây là một trong những kênh truyền thông riêng có của truyền thông dân số tỉnh Thái Bình.
Trưởng phòng truyền thông Chi cục Dân số KHHGĐ Thái Bình Quách Thượng Hải cho biết: “Ứng dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh về Dân số - KHHGĐ, ý tưởng lập một trang Facebook ra đời.
Facebook “Truyền thông dân số” của phòng Truyền thông - Giáo dục Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh được lập từ năm 2012. Ngoài cập nhật nhanh chóng các chủ trương, nghị quyết, quyết định về công tác dân số, trang này còn thường xuyên đăng tải hình ảnh, phản ánh tin các hoạt động DS - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, nhiều thông tin về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh, các ngành, đoàn thể cũng được cập nhật kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Đến nay, trang đã có trên 2.200 bạn, đa phần là đồng nghiệp làm công tác DS - KHHGĐ của Tổng cục Dân số, Chi cục Dân số các tỉnh, Trung tâm Dân số các huyện, thành phố; cán bộ dân số xã, CTV dân số trong cả nước đã theo dõi và sẻ chia. Việc tuyên truyền, phản ánh tin, hình ảnh hoạt động qua Facebook Truyền thông dân số được đánh giá là nhanh nhất và rẻ nhất (vì không phải đầu tư một đồng kinh phí nào cả), lại thu về hiệu ứng tích cực”.
Mạng xã hội Facebook đã tạo nhịp cầu nối gắn kết hoạt động truyền thông dân số các cấp trong tỉnh, có tác dụng nhân rộng các gương điển hình công tác dân số, giúp cán bộ dân số nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách về Dân số - KHHGĐ và triển khai có hiệu quả tại địa phương mình.
Dù vậy, công tác vận động, giáo dục dân số tỉnh Thái Bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: chưa thật sâu sát với từng nhóm đối tượng (ví dụ như đối tượng sinh con một bề, đồng bào có đạo Thiên Chúa giáo…); nhiều nơi chỉ mới tập trung vào những đợt truyền thông nhân sự kiện mà thiếu sự thường xuyên, liên tục; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện công tác DS - KHHGĐ ở một số địa phương chưa được thường xuyên, chặt chẽ, còn coi công tác DS - KHHGĐ là của ngành chuyên môn…
Đại diện Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Thái Bình hi vọng: “Chúng tôi mong muốn và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần nhận thức đầy đủ về tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác DS - KHHGĐ để tiếp tục dẫn dắt công tác DS - KHHGĐ của tỉnh đi đúng hướng, hoạt động hiệu quả. Mong rằng, Trung ương sẽ sớm ban hành những chính sách cụ thể để khuyến khích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/ sức khỏe sinh sản, sớm ban hành Luật Dân số tạo hành lang pháp lý phù hợp với tình hình phát triển dân số của tỉnh hiện nay. Đồng thời, tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác DS - KHHGĐ giai đoạn 2016 - 2020”.