Cơ sở ban hành Luật rất rõ ràng và chắc chắn
Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và 20 năm thực hiện Pháp lệnh động viên công nghiệp cũng như thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay. Việc ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung được nêu trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này, tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện các nội dung của dự thảo Luật trên tinh thần phải đặt công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia và cả nền kinh tế, trước yêu cầu xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh của đất nước.
Theo ĐBQH Vũ Huy Khánh (Bình Dương), các cơ sở để đề xuất xây dựng, trình Quốc hội thông qua dự án Luật này là rất rõ ràng và chắc chắn. Trong đó, về cơ sở chính trị là Văn kiện Đại hội XI, XII và XIII đều khẳng định cần phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh và hướng tới mục tiêu rất rõ ràng là: tự lực, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, có sự gắn kết với công nghiệp dân sinh.
"Phần giải thích từ ngữ của dự thảo Luật cũng đã nêu rõ, công nghiệp quốc phòng là một bộ phận của công nghiệp quốc gia. Với tính chất như vậy thì công nghiệp quốc phòng, an ninh mạng thì công nghiệp quốc gia sẽ mạnh, và ngược lại, công nghiệp quốc gia phải có trách nhiệm, sứ mệnh bổ trợ, hỗ trợ, có cơ chế cùng chia sẻ để công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng", ĐB Vũ Huy Khánh nhấn mạnh.
Về cơ sở pháp lý, đại biểu cho biết "hiện nay cũng đã có nhưng tản mạn ở nhiều văn bản". Cụ thể, Hiến pháp, Luật Quốc phòng, Luật Công an Nhân dân và một số luật khác đã có quy định nhưng chỉ mang tính nguyên tắc còn văn bản quy định cụ thể, trực tiếp về lĩnh vực này thì hiện mới chỉ có 2 Pháp lệnh và 1 Nghị định và cũng đều đã được ban hành trong thời gian khá lâu rồi. Do đó, theo ĐB Vũ Huy Khánh, yêu cầu đặt ra là phải quy định cụ thể với một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn các quy định hiện hành, đủ để thể chế hoá quan điểm của Đảng trong tình hình hiện nay và cả trong tương lai.
Đại biểu cũng cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã đi khảo sát tình hình thực tế và thấy rằng cũng còn khá nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Cơ chế huy động sức mạnh tổng hợp bên ngoài như thế nào?
Dự thảo Luật tập trung vào 5 chính sách lớn: một là, làm thế nào để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh; hai là, hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng và an ninh; ba là, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; bốn là, huy động các nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; năm là, bảo đảm điều kiện để hoạt động có hiệu quả của động viên công nghiệp.
Đánh giá về cơ bản, dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách nêu trên, song ĐB Vũ Huy Khánh cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định cụ thể đối với từng chính sách xem đã chuyển tải được hết, thể chế hoá được đầy đủ, toàn diện quan điểm của Đảng hay chưa?
Đơn cử như chính sách thứ nhất, làm thế nào để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chính sách là như vậy, nhưng quy định cụ thể đã đáp ứng yêu cầu hay chưa?
Quy định về quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh chẳng hạn. Dự thảo Luật đang thiên theo hướng: phần nhiều thể hiện các quy hoạch bên trong, tức là quy hoạch của các cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện nay và gắn với trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền quản lý hệ thống này.
Trong quá trình thẩm tra, có ý kiến đại biểu đặt vấn đề: vậy cơ chế để huy động sức mạnh tổng hợp của bên ngoài, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học ở bên ngoài như thế nào? Quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh gắn với rất nhiều yêu cầu khác nhau thì trong dự thảo Luật đã đề cập được một cách thoả đáng chưa, để từ đó có cơ chế gắn kết các cơ sở bên ngoài với các cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện có để cùng đồng hành, tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh?
Hay chính sách về hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Dự thảo Luật quy định hệ thống tổ chức của công nghiệp quốc phòng, hệ thống tổ chức công nghiệp an ninh, trong đó gồm từ: Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và thấp nhất là các cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh. Với quy định như vậy liệu đã chuyển tải được tinh thần, quan điểm về hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới để hệ thống tổ chức của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh được rành mạch và cơ chế quản lý, điều hành có phát triển được như mong muốn hay không?