Theo thông tin từ Đại hội Cổ đông Công ty Andesco, tổng doanh thu toàn Công ty năm 2022 là gần 112 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó doanh thu từ cáp treo là hơn 64 tỷ đồng, doanh thu đội xe hơn 19 tỷ đồng, doanh thu cổng vé và cảng du lịch đều hơn 8 tỷ đồng.
Mục tiêu trong năm 2023 của Công ty Andesco là phục vụ được 500.000 khách qua cổng vé, 470.000 khách đi cáp treo, 220.000 khách đi xe và 65.000 khách chơi công viên nước. Mục tiêu doanh thu hơn 134 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2022) và lợi nhuận đạt 10 tỷ đồng.
Đại hội Cổ đông Công ty Andesco cũng bầu ra HĐQT mới nhiệm kỳ 2023-2028. Bà Võ Thị Hồng Trâm giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Xe là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Ông Nguyễn Văn Xe – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Andesco cho biết: “Không mở thủ tục phá sản đối với Công ty Andesco là một phán quyết rất chính trực, minh bạch của TAND tỉnh An Giang đã giúp doanh nghiệp từng bước lấy lại uy tín, dần định vị những bước đi vững chắc.
Ngoài ra, tinh thần đoàn kết nội bộ, các cổ đông và sự tiếp tục đồng hành của những đối tác sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng vượt khó. Cộng sinh để cộng hưởng -Công ty Andesco đang vận hành theo nguyên tắc đó”.
Theo ông Nguyễn Văn Xe, Công ty Andesco ra đời từ đầu năm 2009, tiền thân là Ban Quản lý Dự án tỉnh An Giang sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lập các dự án phát triển du lịch cho tỉnh nhà. Tiếp tục gánh vác trọng trách, đồng thời là người khai sáng du lịch tâm linh của địa phương mà mũi nhọn là du lịch Núi Cấm, Công ty Andesco đã khẳng định và xác lập thành công vai trò to lớn đó để đưa Thiên Cấm Sơn trở thành điểm đến nổi bật nhất khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, ba năm liền hứng chịu cú sốc kinh tế bởi đại dịch COVID-19, Công ty Andesco cũng không thoát khỏi tình trạng bị thiệt hại nặng nề. Chưa kịp “thở phào” khi dịch tan, thì một số cuộc xung đột trên thế giới ngày càng phức tạp khiến sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trở nên xấu đi.
Tổng giám đốc Công ty Andesco cho biết: “Bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, phức tạp ắt sẽ kéo theo không ít doanh nghiệp rơi vào phá sản. Đó là thực sự là một viễn cảnh buồn và u ám cho tất cả chúng ta. Vì vậy, sự đấu tranh nỗ lực hồi sinh của bất kỳ một doanh nghiệp nào để thoát hiểm cũng cần được khích lệ và quan tâm. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với sự sống còn của người lao động và có ý nghĩa như “điểm sáng” trong bức tranh u ám.
Nhận được sự chia sẻ, thấu cảm từ những cổ đông chiến lược, HĐQT, Ban TGĐ và người lao động trong Công ty Andesco lên dây cót tinh thần, xắn tay hành động cho một hành trình ở giai đoạn mới với tất cả sự nỗ lực không ngừng, quyết tâm đưa doanh nghiệp hoạt động ổn định trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng của suy thoái kinh tế thời hậu dịch".
Theo lãnh đạo Công ty Andesco, sau thời gian bảo trì, nâng cấp và làm mới, Cáp treo Núi Cấm đã xuất hiện trở lại với tần suất phục vụ vận chuyển nhiều hơn, rút ngắn thời gian hành trình của du khách chinh phục nóc nhà miền Tây trở nên dễ dàng hơn.
"Cùng với hệ thống cáp treo, đội xe lữ hành, nhà hàng Hoa Anh Đào, công viên nước Thanh Long, vườn chà là Ai Cập, vườn táo Organic và nhiều dịch vụ khác trong hệ sinh thái của Công ty Andescocũng đồng loạt chuyển mình khởi động bước vào mùa du lịch cao điểm với nhiều lễ - hội tưng bừng đón chào năm mới Giáp Thìn 2024", Tổng Giám đốc Công ty Andesco cho biết.