Những đóng góp của ngành y tế là hết sức tự hào
Tại buổi làm việc, đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành Y tế trong thời gian qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cùng với sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới xã phường, thôn bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân.
Lĩnh vực y tế dự phòng ngày càng phát triển, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm; công tác an toàn thực phẩm được nâng cao, các chỉ số sức khỏe của người dân đã được nâng lên rõ rệt và cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện; từng người dân, từ người yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… đều được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế.
“Ngành Y tế Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới như tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, ghép tạng, ghép chi… đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học trong thực hành lâm sàng nhanh nhất trên thế giới” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến toàn ngành Y tế và từng y, bác sỹ và mỗi người dân. Trong những thời điểm gian nan, nước ta đã chứng kiến nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh, trái tim nhiệt huyết, sự tỏa sáng từ tấm lòng nhân ái của đội ngũ y bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế không ngại hy sinh gian khổ, dấn thân đi vào tâm dịch tiếp xúc với những mối nguy hiểm, nhận về mình rủi ro, hết lòng phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến… Trong số đó, có nhiều y, bác sỹ, nhân viên y tế đã hy sinh, mãi mãi không trở về…
Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, những đóng góp của ngành y tế là hết sức tự hào. Niềm tự hào đó cùng với sự tin tưởng của Nhân dân và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống là động lực để ngành y tế tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của Nhân dân, xây dựng nền Y tế Việt Nam “khoa học, dân tộc và đại chúng”.
Tập trung tháo gỡ nút thắt
Trước thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua của ngành Y tế, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, những khó khăn, thách thức trong thời gian tới sẽ còn nhiều. Ngành Y tế trong thời gian tới cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19 được dự báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp, khó lường hơn; sự xuất hiện, gia tăng của một số dịch bệnh mới nổi, đặt ra những yêu cầu mới về kiểm soát dịch bệnh. Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân ngày càng cao, tạo sức ép lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế; chi phí cho chăm sóc sức khoẻ ngày càng nhiều, trong khi nguồn lực của đất nước vẫn còn hạn hẹp, đời sống một bộ phận Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, những khó khăn như vậy cũng là cơ hội khẳng định giá trị trân quý của nghề chữa bệnh cứu người, là dịp để ngành Y tế nhận diện thấu đáo thực trạng, xem xét toàn diện thách thức để xây dựng cho được những giải pháp dài hạn, thúc đẩy ngành có những bước phát triển mới.
Toàn ngành Y tế cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ Nhân dân, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ nút thắt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên giáo dục y đức cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động trong ngành y tế; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật tiến tiến, bảo đảm yêu cầu phát triển của ngành Y tế.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế, tăng cường hợp tác công tư trong đầu tư cho sự nghiệp y tế; tạo điều kiện cho mỗi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế giai đoạn 2021 - 2025, theo Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30.9.2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XII; tăng cường công tác dự báo, trao đổi thông tin nhằm làm rõ và đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập, nổi cộm trong lĩnh vực y tế...