Theo đó, 10 tủ sách cộng đồng, mỗi tủ khoảng 150 cuốn, đã được trao tặng cho 10 xã của huyện Bảo Lâm, gồm: Thái Sơn, Thái Học, Nam Quang, Thạch Lâm, Lý Bôn, Mông Ân, Nam Cao, Quảng Lâm, Vĩnh Quang và Đức Hạnh. Ngoài ra, gần 100 cuốn sách được tặng bổ sung vào thư viện Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Bảo Lâm.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Đại biểu Nhân dân (5.10.1988 - 5.10.2023).
Phát biểu tại Lễ trao tặng, Chủ tịch Công đoàn Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Đăng Hải khẳng định, trong hành trình 35 năm xây dựng và phát triển, Báo Đại biểu Nhân dân luôn quan tâm thực hiện các chương trình xã hội từ thiện, là cầu nối để các doanh nghiệp, các tấm lòng hảo tâm và cộng đồng thắp sáng, gieo niềm tin, nghị lực cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó; hỗ trợ kịp thời cho đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh…
“Thấu hiểu những khó khăn và mong muốn chia sẻ, đồng hành để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, hiểu biết về pháp luật và kiến thức khoa học xã hội thường thức… trong đồng bào dân tộc thiểu số, Công đoàn Báo Đại biểu Nhân dân đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho huyện Bảo Lâm, với tổng trị giá hơn 170 triệu đồng", ông Hải cho biết.
Hỗ trợ xây dựng tủ sách cho huyện Bảo Lâm dịp này có sự đồng hành của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Dược phẩm Top Queen Việt Nam, Công ty An Thịnh Phát… Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế thuộc Ban Phật giáo Quốc tế, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dành tặng mỗi tủ 10 đầu sách về các bài học cuộc sống; gia đình cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tặng mỗi tủ 3 đầu sách...
Các cuốn sách được lựa chọn kỹ lưỡng, nội dung đa dạng, phù hợp với nhiều lứa tuổi độc giả, từ sách lịch sử đến sách văn học, y học, rèn luyện kỹ năng sống, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, phổ biến kiến thức pháp luật...
Đón nhận những tủ sách, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nông Văn Lương nhấn mạnh: “Việc trao tặng tủ sách giúp học sinh và người dân có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tri thức, tạo thói quen đọc sách hàng ngày. Đồng thời, cũng giúp người dân được nghiên cứu, tham khảo, trau dồi, mở rộng tầm hiểu biết...".
Bảo Lâm là huyện vùng cao biên giới phía tây bắc của Cao Bằng với đông đồng bào dân tộc thiểu số gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ… sinh sống. Phần lớn trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, đời sống khó khăn.
"Với kho tàng tri thức mà trên 1.600 đầu sách mang lại sẽ giúp nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, hình thành văn hóa đọc, khơi gợi hứng thú và năng lực tự học cho học sinh. Qua đó, tạo lập cho các em thói quen yêu thích đọc sách và học được những điều bổ ích về kỹ năng sống, nuôi dưỡng ước mơ, hình thành nhân cách, biết chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ nhau trong cuộc sống...", Giám đốc Thư viện tỉnh Cao Bằng Phạm Ngọc Khoa nói.
Trong khuôn khổ chương trình, Chủ nhiệm Dự án Sách nhà mình Lê Thị Thùy Dương đã có buổi giao lưu và chia sẻ về tác dụng của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc tới học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Bảo Lâm.
Theo bà Lê Thị Thùy Dương, sách là con đường nhanh nhất để tri thức đến với các em học sinh: “Thế giới của các con chữ như những con tàu xuyên không gian và thời gian để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận với kho kiến thức đa dạng các chủ đề. Cảm ơn Báo Đại biểu Nhân dân và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện giúp tôi lan tỏa tốt hơn văn hóa đọc tới cộng đồng, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa”.