“Một ngày bằng hai mươi năm”
Sau Hiệp định Paris (27.1.1973), tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi, phương thức hoạt động của công binh Trường Sơn cũng thay đổi. Trước đây ta chỉ mở đường dã chiến, trên địa hình miền núi, cầu cống tạm, vượt sông bằng ngầm, hầu hết tuyến đường dã chiến chỉ cho phép xe chạy trong mùa khô. Từ năm 1973, công binh bắt đầu xây dựng đường Đông Trường Sơn, mặt đường đá dăm, mặt đường nhựa, cầu cống bán vĩnh cửu. Năm 1973 - 1974, Bộ Tư lệnh đã thành lập những Trung đoàn làm cầu thép. Ba cầu treo thuộc loại hiện đại lúc bấy giờ là cầu treo Bến Tắt, Đkrông (Quảng Trị), cầu treo Bản Đông (Lào) đã được xây dựng, khẳng định bước trưởng thành nhanh chóng của công binh Trường Sơn.
Mùa Xuân năm 1975, theo yêu cầu nhiệm vụ mới, các đơn vị công binh Trường Sơn đã rời “chiến trường Trường Sơn” di chuyển xuống Quốc lộ 1 thực hiện nhiệm vụ khôi phục và bảo đảm giao thông cho các đơn vị chiến đấu chủ lực theo bước chân thần tốc giải phóng miền Nam với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”.
Ngày 30.3.1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 mở cuộc tiến công giải phóng Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã cử Đoàn cán bộ công binh do Cục phó Dương Đình Tạ phụ trách đi trinh sát nắm tình hình cầu đường dọc Quốc lộ 1 để lập kế hoạch bảo đảm giao thông, tăng cường khả năng vận chuyển, phục vụ các chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng công binh Trường Sơn đã huy động 4 Trung đoàn (8, 531, 34 và 99) bảo đảm giao thông trên Đường số 1 từ Đông Hà vào đến Sài Gòn, trên 7 tuyến đường với 2.577km, khôi phục và bắc mới 89 cầu, sửa chữa và bảo đảm giao thông trên quãng đường dài 800km, tạo điều kiện cho cánh quân Duyên Hải thần tốc hành quân kịp thời cùng các đơn vị khác tiến công sào huyệt cuối cùng của địch, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Với sự nhạy bén, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị cho Cục trưởng Cục Công binh Phan Quang Tiệp điều Tiểu đoàn Công binh 73, Trung đoàn 99 với đầy đủ khí tài, vật tư đến các trọng điểm giao thông như sông Thạch Hãn, Mỹ Chánh để bảo đảm vượt sông cho các lực lượng chủ lực và binh khí kỹ thuật. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn điều động Trung đoàn Công binh 8 phối hợp với Lữ đoàn Công binh 219 của Bộ bảo đảm cho Quân đoàn 2 tiến xuống cắt ngang Đường số 1.
Để trực tiếp chỉ huy lực lượng bảo đảm giao thông trên hướng dọc Quốc lộ 1, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giao Cục Công binh Trường Sơn thành lập Sở Chỉ huy Tiền phương do đồng chí Đỗ Xuân Diễn - Cục phó, phụ trách.
Ngày 18.3.1975, địch rút khỏi thị xã Quảng Trị về tập trung ở Huế. Trung đoàn 99 đang thi công móng cầu treo Đakrông (Km45 Đường 9) được lệnh bàn giao nhiệm vụ này cho Trung đoàn 509 rồi hành quân về bắc Thạch Hãn để khôi phục cầu qua sông. Do đã chủ động chuẩn bị nên đến 18 giờ ngày 21.3, Trung đoàn 99 đã có mặt ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Trung, Triệu Phong, Quảng Trị. Để thực hiện nhiệm vụ, suốt đêm, đơn vị phối hợp với công binh Quân đoàn 2 triển khai xe lội nước rà phá thủy lôi, bom từ trường của địch và khẩn trương bắc cầu. Rạng sáng 22.3, chiếc cầu phao dài 220m đã hoàn thành đưa từng đoàn xe quân sự hành tiến vào Nam. Đây cũng là chiếc cầu đầu tiên mà công binh Trường Sơn khôi phục theo bước chân thần tốc.
Góp phần tiến công sào huyệt cuối cùng của địch
Khi ta tiến hành Chiến dịch Đà Nẵng, đề phòng quân địch cố thủ ở đèo Hải Vân, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã giao Cục Công binh mở đường vòng theo đèo Mũi Trâu, phía Tây đèo Hải Vân để vào Đà Nẵng. Cục trưởng Phan Quang Tiệp cùng các cán bộ đang lên kế hoạch thì nhận được điện của Cục phó Đỗ Xuân Diễn: “Chúng tôi đã có mặt ở Đà Nẵng”. Lúc đó là 11 giờ ngày 29.3.1975. Mọi người bật dậy hò reo và vỗ tay: “Đà Nẵng giải phóng rồi. Nhanh quá!”
Đoạn đường từ Đà Nẵng vào Nha Trang dài 640km, địch đã phá hầu hết cầu lớn như: Câu Lâu, Bà Rén, An Tân, Đà Rằng... Lúc đó, Tiền phương Cục Công binh ở Đà Nẵng bắt được một công binh ngụy, khai thác tình hình cầu đường và vật tư kho quân sự địch. Tôi khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 đã cùng cơ quan tham mưu Trung đoàn nắm tình hình, khắc phục khó khăn khôi phục cầu Câu Lâu, chồng 3 tầng cho nhịp bị phá dài 50m. Đây là nhịp cầu dùng kết cấu lắp ghép dã chiến lớn nhất mà công binh Trường Sơn lắp dựng chỉ trong 4 ngày.
Sáng 3.4.1975, cầu Câu Lâu thông xe trong tiếng hò reo của nhân dân hai bên đầu cầu. Hàng trăm xe chở bộ binh, pháo binh, thiết giáp của các đơn vị chủ lực ta qua cầu, tiến về phía Nam. Tiếp đó là hàng trăm xe của dân di tản quay về Đà Nẵng.
Những ngày sau đó, chiến dịch phát triển nhanh như vũ bão. Các tỉnh, thành phố ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ lần lượt được giải phóng: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết... Các đơn vị chủ lực ta vừa hành quân vừa đánh địch, các đơn vị công binh vừa hành tiến vừa bắc cầu, sửa đường, bảo đảm giao thông.
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, từ đầu tháng 4.1975, Trung đoàn 99 đã dồn quân xuống phía Đông, sửa chữa, bắc lại cầu trên Quốc lộ 1 vào đến Đà Nẵng, tiếp đó là bảo đảm giao thông qua các cầu Câu Lâu, Bà Rén, An Tân, Kế Xuyên. Các cầu mới bắc tạm bằng kết cấu dã chiến, mố trụ tạm, lưu lượng xe qua cầu rất đông, nhiều thiết bị có tải trọng lớn nên nhiều sự cố phát sinh. Nếu lực lượng bảo đảm giao thông vắng mặt là sự cố ùn tắc dễ xảy ra. Khi Trung đoàn 8 vào bảo đảm giao thông, Trung đoàn 99 tiếp tục tiến về phía Nam cùng các đơn vị khôi phục các cầu trên đoạn từ Nha Trang vào Biên Hòa…
Trung đoàn 99 hành quân gấp từ ngã ba Dầu Giây về TP. Biên Hòa vào chiều 30.4.1975, đóng quân tại trụ sở Ủy ban Quốc tế giám sát 4 bên trong sân bay Tân Sơn Nhất. Một đơn vị trực thuộc Trung đoàn được lệnh tiếp tục hành quân đi khôi phục cầu Cỏ May trên đường từ Biên Hòa ra Vũng Tàu dài 150m vào ngày 5.5.1975. Tại cầu Mới trên sông Đồng Nai, Trung đoàn 99 khắc phục nhịp cầu 50m bị địch phá và hoàn thành ngày 10.5.1975. Đó cũng là cây cầu cuối cùng do Trung đoàn 99 thi công theo bước chân thần tốc tiến về Sài Gòn.