Giám định 1.039.615 vụ việc
Luật Giám định tư pháp (được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 20.6.2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (được Quốc hội XV thông qua ngày 10.6.2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2021) quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.
Theo Bộ Tư pháp, tính đến nay, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp lên tới 60 văn bản (của Chính phủ và các bộ, ngành ban hành). Trong đó, từ năm 2013 đến tháng 6.2020 là 37 văn bản (2 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 thông tư liên tịch, 1 quy chế phối hợp và 31 thông tư); từ tháng 7.2020 đến tháng 12.2023 là 23 văn bản bản (1 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 21 thông tư).
Cùng với việc triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28.2.2018. Nội dung bao gồm những nhóm nhiệm vụ, giải pháp thiết yếu, cấp bách cần sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành để thực hiện hiệu quả; chú trọng nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện có 3 tổ chức pháp y ở Trung ương, 55/63 tỉnh, thành phố hoạt động theo mô hình Trung tâm pháp y; 7 tổ chức pháp y tâm thần được thành lập (2 viện và 5 trung tâm tại các khu vực); có 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự (trong đó có 64 tổ chức trong lực lượng công an nhân dân, 1 tổ chức trong quân đội và 1 tổ chức trong ngành kiểm sát); 1 văn phòng giám định tư pháp; 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông, văn hóa, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bí mật nhà nước, tư pháp, bảo hiểm xã hội...
Hiện, cả nước có 7.135 giám định viên tư pháp và 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc. Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp. Từ năm 2018 đến ngày 30.6.2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện 1.039.615 vụ việc. Việc trưng cầu và thực hiện giám định tư pháp cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong các lĩnh vực truyền thống (pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự).
Thực tế cho thấy, việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định được các tổ chức giám định thực hiện nhanh gọn, nhất là đối với lĩnh vực có tổ chức chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, hầu hết hoạt động giám định tư pháp đáp ứng kịp thời yêu cầu; việc tiếp nhận và thực hiện giám định trong những lĩnh vực không có tổ chức chuyên trách cũng từng bước được các bộ, cơ quan ngang bộ, sở, ngành chuyên môn, tổ chức được trưng cầu quan tâm tiếp nhận, thực hiện và cũng có nhiều thay đổi, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng, nhất là hoạt động tố tụng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đoàn Văn Hường, việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp còn có những tồn tại; trình tự, thủ tục giám định tư pháp cần tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là phục vụ kịp thời cho việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế; quy định về chi phí giám định tư pháp còn có những nội dung chưa thực sự khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức giám định tư pháp, người làm giám định tư pháp.
Bên cạnh đó, số lượng tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tương đối nhiều, song còn thiếu các tổ chức chuyên môn thực sự có năng lực phù hợp với nhu cầu của hoạt động tố tụng, nhất là lĩnh vực công nghệ tin học, công nghệ cao. Việc lựa chọn, lập, điều chỉnh danh sách người giám định tư pháp còn chưa kịp thời; một số lĩnh vực người giám định tư pháp theo vụ việc đa phần là kiêm nhiệm nên chưa thực sự tập trung cho việc thực hiện giám định; một số trường hợp còn có tâm lý e ngại vì sợ trách nhiệm pháp lý cao khi tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định.
Theo đó, bên cạnh việc bộ, ngành và địa phương rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được quy định trong Luật Giám định tư pháp và Đề án giao, cần sửa đổi Luật Giám định tư pháp theo hướng mở rộng phạm vi xã hội hóa giám định tư pháp, phân cấp thực hiện giám định tư pháp, thời hạn giám định tư pháp và trách nhiệm của người trưng cầu, người thực hiện giám định tư pháp; trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và người làm giám định tư pháp; sửa đổi quy định về chi phí giám định tư pháp; sửa đổi quy định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đoàn Văn Hường nhấn mạnh…