Sau một năm thực hiện đề án, ba bệnh viện đạt danh hiệu lần này đều có tỷ lệ thực hiện da kề da và bú sớm trên 85% (theo kết quả khảo sát sản phụ xuất viện vào quý II.2020 do Bộ Y tế/ Sở Y tế thực hiện). Tất cả sản phụ đều được tư vấn kiến thức và hướng dẫn kĩ năng nuôi con bằng sữa mẹ. Các bệnh viện đều nói không với việc sử dụng và bày bán các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 2 tuổi.
“Da kề da, bú sớm và bú mẹ hoàn toàn là giải pháp quan trọng, tăng cường sự sống còn và sức khỏe của trẻ”. Ông Roger Mathisen, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Alive & Thrive nhấn mạnh: “Trẻ được bú mẹ hoàn toàn có khả năng sống sót cao gấp 14 lần so với trẻ không bú”.
Sữa mẹ lại càng quan trọng hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Ông Roger chia sẻ thêm: “Chúng tôi kêu gọi các bệnh viện tiếp tục duy trì thực hành da kề da, bú sớm sau sinh và không cách ly mẹ con trong mùa dịch Covid-19. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, virus SARS-Cov-2 không có trong sữa mẹ, và không có nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con trong quá trình cho con bú. Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19”.
Bác sỹ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chia thẻ thêm: “Trong suốt thời kì cao điểm của Covid-19 (từ tháng 2 đến tháng 4.2020), các bệnh viện tham gia đề án ở tỉnh Quảng Nam vẫn đảm bảo thực hiện da kề da, bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện. Vì lợi ích của trẻ, những thực hành thường quy này sẽ vẫn được duy trì kể cả trong bối cảnh dịch bệnh”.
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam còn thực hiện thêm mô hình phòng sinh thân thiện, nhằm mang lại trải nghiệm sinh tích cực nhất cho sản phụ. “85% sản phụ lựa chọn một người thân trong gia đình đồng hành trong cuộc sinh. Người đồng hành khi sinh sẽ giúp sản phụ tự tin, giảm bớt căng thẳng và đau đớn, vượt cạn nhanh hơn, và cho con bú dễ dàng hơn.” Bác sỹ Nguyễn Tải, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam cho biết.
Tại Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, tỷ lệ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện đạt ở mức rất cao, trên 95% trong quý II.2020. Bác sỹ Võ Thành Lợi, Giám đốc bệnh viện chia sẻ: “Việc đánh giá đúng tầm quan trọng của da kề da liên tục 90 phút sau khi sinh là điểm mấu chốt để bệnh viện hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả. Nếu như trước đây chúng tôi không thực hiện da kề da trong sinh mổ, thì bây giờ tỷ lệ đó đã đạt 88%.”
Đầm Dơi là một huyện ven biển của tỉnh Cà Mau với 85% dân số ở vùng nông thôn, mức thu nhập bình quân đầu người không cao, chỉ đạt 3,8 triệu đồng/tháng. Bác sỹ Dương Quốc Thống, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi chia sẻ: “Bằng việc hỗ trợ và thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, bệnh viện không những đảm bảo lợi ích sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, mà còn giảm gánh nặng kinh tế cho các hộ gia đình khi không phải mua các sản phẩm thay thế sữa mẹ.”
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau khẳng định: “Hầu hết các bà mẹ đều có thể cho con bú, miễn là họ có thông tin chính xác và sự hỗ trợ của gia đình, cơ sở y tế. Chính vì thế, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu trong năm 2020, tất cả năm bệnh viện tham gia đề án Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc đều đạt danh hiệu. Tỉnh cũng sẽ phấn đấu để tất cả 13 bệnh viện có khoa Sản trên địa bàn đều hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả.”
Nếu toàn bộ 28 bệnh viện tham gia sáng kiến này đều đạt danh hiệu, sẽ có khoảng 235,000 trẻ, tức 17% số trẻ sinh ra ở Việt Nam sẽ được sinh ra trong các Bệnh viện thực hành nuôi con sữa mẹ xuất sắc.