"Chống dịch như chống giặc"- cơ sở của Nghị quyết số 30
“Chống dịch như chống giặc” là tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động của Đảng, Nhà nước ta, bảo đảm cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta thu được thắng lợi nhanh nhất. Trước hết, do dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu, có tốc độ lây lan nhanh, không chỉ gây thiệt hại trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mà còn khiến số người tử vong cao. Ngoài tính chất nguy hiểm của dịch, đối với Việt Nam chúng ta, còn: “trong dịch có giặc”, đó là các thế lực thù địch và cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng việc phòng, chống dịch để chống phá cách mạng Việt Nam. Đó là những kẻ “nối giáo cho giặc”, những người giấu bệnh, khai báo y tế không trung thực, chống và trốn cách ly, không chấp hành lệnh cấm tụ tập, tiếp xúc đông người… làm lây lan dịch bệnh. Là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, nâng giá, bắt chẹt người mua, sản xuất hàng giả buôn lậu hàng hóa y tế ra nước ngoài.... Do đó, chống dịch được đặt ra tính cấp bách và là “đối tượng” phải phòng, chống nhanh chóng, kịp thời.
Mục tiêu đặt ra là phải nhanh chóng đẩy lùi, tiến tới công bố hết dịch trong thời gian sớm nhất; sớm khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của dịch, đồng thời ra sức phát triển đất nước nhanh và bền vững. Với phương châm: tính mạng con người và lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết; “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, việc phòng, chống dịch Covid-19 phải đề cao các biện pháp phòng dịch là chính; thậm chí “phải hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân”. Trên cơ sở phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, ngành y tế, quân đội và công an là lực lượng nòng cốt; phát huy tối đa nội lực đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác từ các nước trong khu vực và trên thế giới, vì đây là vấn đề toàn cầu...
Trước yêu cầu chống dịch cấp bách, để đáp ứng nhanh nhất, kịp thời nhất cho phòng, chống dịch, ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, ngày 28.7.2021, Quốc hội đã ban hành một nghị quyết có tính sáng tạo, kịp thời - Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19.
Quyết sách thể hiện "dũng khí, dám nghĩ, dám làm"
Việc ban hành kịp thời Nghị quyết số 30 được các cấp, các ngành và toàn thể cử tri, Nhân dân đánh giá là một sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ, một quyết sách thể hiện "dũng khí, dám nghĩ, dám làm". Trong đó, có vai trò quan trọng của người đứng đầu - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Trong Nghị quyết 30 có nhiều nội dung quyết định ngay việc tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tại mục 3 của Nghị quyết thể hiện sự linh hoạt, chủ động, sáng kiến trong hoạt động lập pháp. Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh. Sau Nghị quyết 30, Chính phủ đã chủ động ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo kịp thời điều chỉnh từng ngày để phòng chống dịch.
Nhờ đó đến nay, dịch bệnh được kiểm soát đã góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,2%, trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỉ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai đánh giá: sau gần 1,5 năm triển khai cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, Nghị quyết 30 đã góp phần đưa công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt được nhiều thành tựu, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. "Chính phủ đã linh hoạt khi thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan theo từng mức độ dịch và khả năng kiểm soát dịch". Chính phủ đã rất nỗ lực và kịp thời huy động mọi lực lượng, các cơ sở y tế cả công lập và tư nhân tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19; thành lập các bệnh viện dã chiến; tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và hiệu quả để phục vụ công tác điều trị Covid-19. Sự tham gia tích cực, kiên trì, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm của các lực lượng tuyến đầu và các lực lượng trong phòng, chống dịch; kết quả của "ngoại giao vaccine" đã thể hiện sức mạnh tổng hợp, tinh thần quyết liệt từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan, các địa phương; tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đạt nhiều kết quả, tỉ lệ bao phủ vaccine cao.
Bộ trưởng Y tế cho biết: về áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, khác luật trong phòng, chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã áp dụng hiệu quả, linh hoạt hầu hết các biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch như trong tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Việc ban hành kịp thời Nghị quyết 30 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tạo sự tin tưởng, đồng lòng của Nhân dân và cử tri cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, chống dịch thành công và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.