
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đang ở giai đoạn cuối, Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác có khả năng sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng trong nửa cuối năm nay.
Một trong những cơ hội mà các doanh nghiệp trong nước đã và đang tận dụng là hàng loạt giải pháp phát triển sản xuất của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình: kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn... Ở tâm điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 vừa qua, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã giúp nhiều doanh nghiệp duy trì sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Và thời điểm này, chính là lúc doanh nghiệp trong nước khẳng định bản lĩnh và sức vươn của mình trong con mắt của 85,6 triệu người tiêu dùng ở quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bước đầu đã thông tin, tuyên truyền, vận động, làm người tiêu dùng trong nước và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Hưởng ứng cuộc vận động, cá nhân người tiêu dùng Việt sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi mua sắm công. Các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình cũng sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ nội địa. Và ở khía cạnh khác, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là động lực, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng, mẫu mã, khả năng phân phối, kỹ năng chăm sóc khách hàng tốt hơn và đưa ra giá cả cạnh tranh hơn trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước có nhiều chọn lựa hơn. Người tiêu dùng sẽ không thể ưu tiên, nếu như hàng Việt chất lượng chưa cao, thái độ phục vụ kém mà giá cả lại thiếu tính cạnh tranh.
Các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng: bây giờ không còn là lúc nghĩ tới cách vượt qua khủng hoảng; mà nhìn xa hơn: tìm cách khai thác cơ hội sau khủng hoảng. Sở dĩ nước ta không chịu tác động quá nặng nề của khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, là hệ thống ngân hàng của nước ta hoạt động có trách nhiệm; Chính phủ cũng quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển doanh nghiệp. Nhưng, nước ta phụ thuộc khá nhiều vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, do vậy có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản… cắt giảm chi tiêu do khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bản thân việc cắt giảm chi tiêu của các thị trường này - cũng có tác động hai mặt. Người tiêu dùng ở các thị trường lớn giờ đây quan tâm nhiều hơn tới giá cả và độ bền của sản phẩm. Vì vậy nếu doanh nghiệp nước ta đầu tư cho việc đa dạng hóa chủng loại và mẫu mã sản phẩm, ổn định chất lượng và chào hàng với giá cạnh tranh thì hàng hóa Việt Nam vẫn có thể thâm nhập vào các thị trường lớn.
Điều quan trọng hơn cả, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu ảnh hưởng đến nước ta - sẽ giúp sàng lọc doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có thực lực, có khả năng thích nghi tốt, xây dựng được mối liên kết chặt chẽ và uyển chuyển, tất yếu sẽ tồn tại và vươn lên.
Vượt qua khủng hoảng đã khẳng định bản lĩnh Việt Nam của các doanh nghiệp Việt. Giàu ý chí, sẽ tận dụng được cơ hội sau khủng hoảng.