Những ngày “giông bão”
Suốt 18 năm chiến đấu với HIV, đến tận bây giờ cô Đỗ Thị Thu Hà (43 tuổi, trú tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn không thể tin mình có thể vượt qua được tất cả, vẫn có thể đứng trên lớp học để chăm sóc, nuôi dạy cho những đứa trẻ thân yêu.
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh (nay là Trường Đại học Hà Tĩnh), Đỗ Thị Thu Hà được phân công về dạy tại trường mầm non gần nhà ở Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Cũng trong năm đó, cô lên xe hoa với anh N.T.T. Hơn một năm sau, đôi vợ chồng trẻ đón niềm vui lớn khi cô con gái đầu lòng cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, bi kịch đã ấp đến gia đình của cô.
Năm 2005 trong một vụ tai nạn giao thông khiến chồng chị bị thương phải đưa vào viện cấp cứu. Khi lấy máu xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện anh T. đã nhiễm HIV. Nhận kết quả từ bác sĩ cô Hà đã rất sốc. Cô không thể tin nổi người đầu ấp tay gối với mình bấy lâu nay đã bị nhiễm HIV và ở giai đoạn cuối.
Lấy hết can đảm, cô cùng con gái vào bệnh viện để xét nghiệm. Cầm kết quả dương tính với HIV từ tay bác sĩ, cô như chết lặng. Cả bầu trời như đổ sập xuống. Trong nỗi đau đớn tột cùng ấy, một điều thần kỳ đã xảy ra là đứa con của cô vẫn bình an.
“Lúc ấy cả bầu trời như sụp đổ xuống trước mắt tôi. Tôi suy sụp, tuyệt vọng. Nhưng thật may mắn là con gái của tôi vẫn bình an. Có lẽ đó là niềm an ủi vớt vát còn lại của tôi lúc ấy”, cô Hà nhớ lại.
Những ngày cuối đời, anh T., mới thừa nhận do lái xe đường dài căng thẳng nên đã thường xuyên sử dụng ma túy, rồi chìm sâu trong con đường nghiện ngập. Anh T. đã qua đời sau đó không lâu.
“Thời điểm ấy thông tin về HIV còn quá ít. Khi biết tin tôi bị nhiễm HIV ai cũng sợ. Gặp tôi là họ né tránh. Đau đớn nhất là con mình không có bạn chơi, dù bản thân cháu hoàn toàn bình thường”, dù đã 18 năm trôi qua, nhưng cô Hà không thể quên được những ngày tháng khó khăn ấy của cuộc đời mình.
Trong thời điểm khó khăn ấy, Ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên trong trường thường xuyên động viên, làm công tác tư tưởng để cô Hà có thể quay trở lại lớp. Được sự động viên, an ủi của đồng nghiệp, chỉ vài tuần sau đó, cô như đã trút bỏ được gánh nặng về sự mặc cảm trong lòng, và bước ra khỏi “bóng tối” của cuộc đời mình.
Khi niềm tin dần được nhen nhóm trở lại thì một lần nữa người giáo viên trẻ ấy phải đối diện với những khó khăn khác đó những ánh mắt kỳ thị, né tránh của các bậc phụ huynh. Thậm chí, nhiều phụ huynh đã phản đối không cho con theo học lớp của cô.
“Từ lớp học hơn 20 học sinh, nhưng khi biết tin tôi bị HIV thì nhiều bố mẹ không cho con học lớp tôi nữa. Nhìn lớp học chỉ còn 3-4 cháu, tôi đã khóc. Khóc vì sự mặc cảm, khóc vì thương các cháu học sinh”, cô Hà cho biết đó là những ngày khó khăn nhất và cũng là thời khắc chị muốn từ bỏ nghề dạy học.
Lấy lại niềm tin từ tình yêu con trẻ
Tự hứa với bản thân không được gục ngã, không được buông xuôi, vì đứa con bé nhỏ, vì những người đồng nghiệp luôn ở bên cạnh tiếp sức, cô Hà dần lấy lại được niềm tin. Xác định chung sống lâu dài với bệnh tật, trước khi trở lại trường, cô đã đọc các tài liệu về căn bệnh HIV và nhờ bác sĩ tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm.
“Sau khi đủ bình tâm và suy nghĩ thấu đáo mọi việc tôi đã nói với lãnh đạo nhà trường sẽ tiếp tục đến trường”, cô Hà nói và cho biết đúng một tuần sau đó đã trở lại lớp học.
Hàng ngày, cô giáo trẻ đều đặn, tỉ mẩn với công việc của mình. Cô dành hết niềm yêu thương cho con trẻ, dồn sức chăm sóc, xem đó là động lực vượt qua bệnh tật.
Trong quá trình làm việc, cô luôn ý thức trách nhiệm của mình để gìn giữ sức khỏe cho trẻ cũng như người xung quanh. Chứng kiến sự tận tâm, trách nhiệm và tình yêu trẻ của cô, phụ huynh dần dần cũng đã hiểu và có cái nhìn thiện cảm hơn. Từ lớp học lác đác vài em, những năm học sau, lớp cô luôn giữ vững sĩ số từ 24 - 29 cháu.
“Cô Hà là người rất giàu nghị lực sống. Suốt những năm qua, tuy phải chống chọi với bệnh tật nhưng cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là giáo viên giỏi của trường được phụ huynh và học sinh tin yêu. Tại trường người được các em học sinh biết đến nhiều nhất và được yêu quý nhất có lẽ là cô Hà. Bởi cô rất yêu trẻ, rất tâm huyết với con trẻ”, cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Kim 1 không giấu niềm xúc động khi nói về người đồng nghiệp của mình.
Bên cạnh công việc dạy học, cô Đỗ Thị Thu Hà còn làm cầu nối giúp đỡ, động viên những người bị HIV hòa nhập cộng đồng. Năm 2007, cô thành lập Câu lạc bộ Sông Lam Xanh, sau này đổi thành “Câu lạc bộ tình thương” tại huyện Hương Sơn. Câu lạc bộ ra đời nhằm giúp đỡ người bị HIV, nghiện ma túy sớm hòa nhập cuộc sống.
“Tôi đã trải qua những năm tháng đau khổ vì căn bệnh HIV, nên tôi hiểu được cảm xúc của những người không may mắn khi nhiễm căn bệnh này, đó là sự mặc cảm, muốn ẩn mình, tránh ánh mắt soi mói, kỳ thị của mọi người. Chính vì vậy, họ không dám đến các trung tâm để điều trị, lấy thuốc thường xuyên khiến bệnh càng thêm nặng.
Không chỉ vậy, không có người chia sẻ, họ càng sống trong lo âu, bi quan. Từ thực tế đó, tôi nghĩ mình cần làm điều gì đó để động viên những người có hoàn cảnh giống mình”, đó là những lý do cô Hà quyết định thành lập câu lạc bộ để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình.
Thời gian đầu, câu lạc bộ chỉ có vài ba người, sau đó tăng lên hơn 20 thành viên. Tại câu lạc bộ, nữ nhà giáo đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cùng tuyên truyền, hỗ trợ kiến thức cho người bệnh trong chăm sóc và phòng ngừa lây nhiễm cho người thân. Nhiều người nghiện ma túy, được cô Hà động viên đã quyết tâm cai nghiện lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
“Tôi đã nói chuyện của mình cho con gái nghe khi nó vừa lên lớp 3. Dù còn nhỏ nhưng con bé rất hiểu chuyện và điều đó khiến tôi như trút được gánh nặng trong lòng suốt mấy năm qua. Con gái tôi giờ cũng đã lớn rồi. Nhìn lại chặng đường giông bão mà mình đã bước qua, tôi cũng không nghĩ mình làm được”, chị Hà tâm sự và cũng mong muốn nếu ai không may mắn bị nhiễm căn bệnh HIV thì không được bỏ cuộc, hãy mạnh mẽ đối diện, vượt qua để sống làm một người có ích cho xã hội.