Nhận học bổng của 8 trường đại học hàng đầu Anh Quốc
Năm 2019, Nguyễn Thị Ngọc Lan tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân với tấm bằng xuất sắc và là thủ khoa đầu ra của trường. Cùng thời điểm đó Ngọc Lan đã nhận được học bổng thạc sĩ từ 8 trường đại học hàng đầu của Anh Quốc và trường Đại học Melbourne (Top1 Australia, top 32 thế giới).
Cô chọn học bổng Think Big tại Đại học Bristol để tiếp tục học Thạc sĩ và từ chối Đại học Melbourne (Australia) cùng bảy trường khác tại Anh gồm: Leeds, Nottingham, Huddersfield, Stirling, Belfast, Liverpool và Birmingham.
Đầu năm 2020, khi thế giới đang ở cao trào của dịch Covid-19. Ngọc Lan đã quyết định trở về nước, tham gia giảng dạy tại trường Đại học Văn Lang với vai trò giảng viên Khoa Kế toán – Kiểm toán. Bên cạnh đó, hoàn thành chương trình học Master.
Dù không phải lựa chọn đầu tiên khi thi đại học nhưng Ngọc Lan và chuyên ngành Kế toán - Tài chính như sinh ra là để dành cho nhau. Từ sinh viên, giờ trở thành giảng viên bộ môn này, Lan đã rèn luyện được tư duy linh hoạt và nhạy bén. Thế giới tài chính ngày nay đã vươn xa ra khỏi địa phận những phương pháp giao dịch truyền thống.
Công nghệ thanh toán, tiền kỹ thuật số, Blockchain, hay Fintech là những thuật ngữ mà nhiều người đã nghe thấy thường xuyên qua báo chí hay truyền hình. Tuy nhiên từ việc nghe tới việc hiểu và sử dụng các thuật ngữ này lại hoàn toàn khác nhau. Ngọc Lan tin rằng việc nắm được bản chất của Kế toán - Tài chính sẽ giúp chúng ta dễ dàng vận dụng và đồng thời làm chủ được những công nghệ này.
Bằng tài năng, sự xuất sắc trong tư duy và tinh thần trách nhiệm, sau khi kết thúc chương trình học Master, Ngọc Lan tiếp tục được Đại học Bristol mời trở thành nghiên cứu sinh tại trường với học bổng toàn phần bao gồm học phí và sinh hoạt phí.
Gác lại công việc giáo viên yêu thích tại Việt Nam, Lan một lần nữa bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, trở thành nghiên cứu sinh trẻ tuổi nhất của ngành chuyên ngành Tài chính – Kế toán, Đại học Bristol.
Cô gái trẻ quan niệm, học là cách yêu bản thân, không những đây cũng là cách cô thể hiện tình cảm với bố mẹ hay những người quan tâm đến mình. Với Lan không có gì đáp lại tình cảm của mọi người thiết thực hơn việc học tập.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Ngọc Lan cho biết việc học Tiến sĩ tại Anh là không dễ dàng với một sinh viên quốc tế.
“Đối với một sinh viên quốc tế, việc tạo dựng các mối quan hệ và xây dựng một mạng lưới đủ rộng để làm việc hiệu quả là một thử thách rất lớn. Đây không chỉ là thử thách về kiến thức, mà còn về văn hóa, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm chủ tình huống và đưa ra quyết định.”
Ngoài việc là một nghiên cứu sinh tại Đại học Bristol, Ngọc Lan còn có vị trí trợ giảng, đồng thời là Đại diện sinh viên (Student Representative) tại đây.
Với công việc trợ giảng môn Chiến lược, Tài chính và Kế toán trong Quản trị, nhiệm vụ chính của Ngọc Lan là giảng dạy các lớp Seminar nhỏ (khoảng 30 sinh viên một lớp), chấm bài và trả lời những khó khăn, thắc mắc của học viên bao gồm sinh viên, Thạc sĩ ngành Marketing, Quản trị nhân lực và Kinh doanh tại trường.
“Việc kết hợp giữa học và giảng dạy này tuy khá nặng (thường dạy 6 buổi 1 tuần), nhưng lại vô cùng hữu ích cho tôi trong việc rèn luyện và phát triển các kỹ năng cần thiết trong tương lai. Tôi không chỉ học được nhiều kiến thức từ các Thầy Cô, mà còn học được cách làm việc với sinh viên, cách trả lời và giao tiếp email chuyên nghiệp. Tôi đã rất xúc động khi nhận được thiệp và nhiều lời chúc từ sinh viên trong dịp Giáng sinh vừa rồi. Đó là những món quà tinh thần lớn tạo động lực thúc đẩy tôi học hỏi và phát triển từng ngày.”
Tháng 3.2023, Ngọc Lan được sinh viên toàn trường Đại học Bristol đề cử là trợ giảng (Tutor) hay nhất của năm 2022. Đây là hạng mục giải thưởng danh giá Đại học Bristol dành cho các trợ giảng của nhà trường.
Xuất sắc giành giải thưởng khởi nghiệp lớn nhất của Trung Quốc
Cuối năm 2022, Ngọc Lan cùng nhóm nghiên cứu gồm 3 thành viên đạt giải thưởng khởi nghiệp lớn nhất Trung Quốc dành cho du học sinh.
“Tôi vô cùng bất ngờ. Giờ nhớ lại khoảnh khắc đó vẫn nghĩ là một giấc mơ. Đây là một điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới.” - Ngọc Lan nhớ lại.
Dự án đạt giải có tên đầy đủ“Alpha - Long range nuclear contamination detector” (Máy dò tìm và phát hiện phóng xạ hạt nhân tầm xa – Alpha)”, mang thông điệp tích cực cả nhóm muốn nhắn nhủ về việc sử dụng khoa học vào việc bảo vệ môi trường và ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Việc phát hiện và xử lý các loại rác thải hạt nhân thông qua công nghệ tân tiến chính là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào bảo vệ cuộc sống của con người. Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích kinh tế, đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận mà không có biện pháp khắc phục phù hợp, thì chắc chắn môi trường sống của con người một ngày sẽ bị hủy diệt.
Theo nghiên cứu nhóm nghiên cứu của Ngọc Lan đã chỉ ra phương pháp dò tìm phóng xạ hạt nhân truyền thống đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên gia và trang bị đồ bảo hộ nghiêm ngặt. Các chuyên gia phải trực tiếp tới hiện trường và luôn phải mang theo máy dò tìm phóng xạ cồng kềnh. Việc dò tìm thủ công không những tốn thời gian, tiền bạc, mà còn nguy hiểm và không đạt hiệu quả cao.
Sản phẩm cuối cùng của dự án này bao gồm máy ảnh siêu nhạy, ống kính UV được thiết kế đặc biệt và phần mềm tự động hóa. Những công nghệ tiên tiến này có khả năng phát hiện ô nhiễm hạt nhân từ xa và tự động, loại bỏ hoàn toàn những rủi ro của phương pháp truyền thống.
Dự án này là sản phẩm của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong cuộc sống, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Về mặt thực tiễn, dự án này giúp cho việc phát hiện các loại rác thải hạt nhân trở nên dễ dàng hơn, thuận tiện hơn, an toàn hơn, và tiết kiệm hơn.
Về mặt khoa học, hầu hết các rác thải hạt nhân hiện nay đều có phát xạ Alpha. Sau khi ăn vào cơ thể, chúng sẽ làm hỏng ADN và gây ung thư. Một gam chất phát Alpha Polonium-210 có thể đủ giết chết 50 triệu người. Chính vì vậy, việc phát hiện ra các chất thải hạt nhân là việc tiên quyết để đảm bảo cuộc sống của con người.
“Trong khi công nghệ hạt nhân đang được rất nhiều các quốc gia quan tâm, thì ô nhiễm hạt nhân lại trở thành gánh nặng và mối nguy hiểm tiềm tàng rình rập môi trường và cuộc sống của các loài sinh vật. Dự án này không chỉ là giải pháp về công nghệ cho các công ty năng lượng, mà còn lan tỏa thông điệp tích cực về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống con người khỏi sự đe dọa của loại rác thải nguy hiểm nhất hành tinh - rác thải hạt nhân.” - Ngọc Lan nói thêm về dự án đạt giải của mình.
Hướng tới hình ảnh một người phụ nữ hiện đại
Trở thành một giáo sư về ngành Kế toán – Tài chính và được giảng dạy, chia sẻ kiến thức tôi học được cho nhiều thế hệ sinh viên sau này là ước mơ lớn nhất của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Ngọc Lan.
Đối với nữ nghiên cứu sinh tài năng, sự chỉ bảo tận tâm của các Thầy Cô - những người lái đò thầm lặng đã dìu dắt bao thế hệ học trò chính là bệ phóng và động lực thôi thúc Ngọc Lan theo nghề giáo.
Khi được hỏi về hình tượng người giáo viên mà bản thân hướng tới, Ngọc Lan chia sẻ hình tượng về một người giáo viên thế hệ mới - không chỉ truyền tải những kiến thức sách vở thông qua những bài giảng truyền thống, mà còn có thể giúp các em sinh viên phát triển các kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số.
Việc lồng ghép dạy kiến thức, trau dồi kỹ năng với việc lan tỏa những thông điệp tích cực và những giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc cho thế hệ sau là hết sức cần thiết. Sinh viên hiện nay cần được phát triển toàn diện với đầy đủ cả Kiến thức - Kỹ năng - Thái độ.
Tôi muốn kéo gần khoảng cách giữa người dạy - người học để xây dựng một môi trường học tập bình đẳng, dân chủ, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Mình mong muốn có một môi trường Giáo dục cởi mở, gần gũi. Tuy chuyên nghiệp, có nguyên tắc nhưng sáng tạo, giữ được nét đẹp tôn sư trọng đạo.”
Ngọc Lan mong muốn bài giảng của mình sẽ phong phú, sinh động hơn khi có sự cập nhật, tính ứng dụng cao. Ví dụ như trong Kế toán - Tài chính, Ngọc Lan muốn được thảo luận với sinh viên những chủ đề mới như Fintech, Kế toán cho môi trường và biến đổi khí hậu.
Không chỉ có những tư duy đột phá về nghề, Ngọc Lan còn có những quan niệm rất hiện đại về một người phụ nữ.
“Là một người phụ nữthế hệ Gen Z, tôi rất thích quan điểm cho rằng, phụ nữ hiện đại cần tiếp thu một cách có chọn lọc những giá trị văn hóa của người phụ nữ truyền thống. Bên cạnh đó cần xây dựng sự tự tin, hiểu biết để vượt qua mọi thành kiến, thử thách từ đó vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội.
Tôi tin rằng phụ nữ của thời hiện đại không chỉ được coi trọng trong gia đình mà hoàn toàn có thể trở thành những chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý cấp cao; những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới, phụ nữ cũng làm rất tốt.
Nguyễn Thị Ngọc Lan đã có 6 công trình nghiên cứu được xuất bản, trong đó một công trình đăng trên tạp chí trong nước, ba công trình được đăng trong ba hội thảo khoa học quốc tế ICAFB, ICFAA, CIEMB, hai công trình đã được xuất bản trên tạp chí khoa học quốc tế.
Ngoài ra, Lan đã vượt qua hơn 1.000 thí sinh để giành chiến thắng trong cuộc thi Asean Integration Scholarship do FTMS, KPMG và ACCA tổ chức.
Quản lý 6 lớp Chiến lược, Kế toán, Tài chính dành cho Quản lý với 180 học viên. Chia sẻ hai phần có tiêu đề "Đối mặt với điều không thể biết: Khả năng phục hồi, thích ứng, thay đổi" trong Hội nghị FSSL lần thứ hai tại Đại học Bristol.
Tổ chức và trình bày báo cáo tại Hội thảo “Kế toán và Kiểm toán trong thời đại thông tin” cấp Trường với sự tham gia của các giáo sư nổi tiếng của Việt Nam và 400 sinh viên, cán bộ.
Giám sát 5 nhóm sinh viên tham gia Cuộc thi nghiên cứu Eureka, cuộc thi nghiên cứu cấp quốc gia.
Sáng lập Chitoson group vào tháng 1/2018 và trở thành ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam năm 2018.