Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 23.11, ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam), cho rằng, hệ thống chính trị đang tập trung vận động toàn dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện song chế độ với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ít được nhắc đến.
Cụ thể, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện cùng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 22%. Trong 22% này, có nhiều bên tham gia đóng góp khác nhau, nhưng mức đóng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn cao hơn người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vậy nhưng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có phần hạn chế hơn so với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo ĐBQH Trần Thị Hiền, hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có 2 chính sách hưu trí và tử tuất và lần này dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề nghị bổ sung chính sách thai sản 2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Điều 65 dự thảo Luật quy định điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chưa có quyền lợi này.
Hoặc về trợ cấp mai táng, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ cần đóng bảo hiểm từ đủ 12 tháng trở lên (mục a Khoản 1 Điều 83) trong khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đóng từ đủ 60 tháng trở lên (mục a, Khoản 1 Điều 108).
Để người dân lựa chọn và có chính sách phù hợp thì sự tham gia tự nguyện sẽ bền vững hơn, từng bước đáp ứng được mục tiêu mở rộng độ bao phủ, tiến đến bảo hiểm xã hội toàn dân nhanh hơn, ĐBQH Trần Thị Hiền đề xuất.
Theo đó, Ban soạn thảo cần tính toán giải pháp để cụ thể hóa những định hướng “mở rộng độ bao phủ” và “nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức” theo Nghị quyết 28 - NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, dự thảo Luật cần quan tâm đến bảo hiểm xã hội tự nguyện đa tầng; cân đối phù hợp các chính sách giữa các hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; có gói dịch vụ phù hợp để khuyến khích người dân chủ động hơn tham gia; đồng thời thiết kế nhiều gói chính sách để người lao động được quyền lựa chọn hình thức và mức độ tham gia.
Tương tự, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với những phương thức đóng, hưởng linh hoạt hơn.
Ví dụ, có thể tính đến việc được tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cha mẹ, người thân và các đối tượng khác. Về tỷ lệ và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, chỉ cần quy định mức tối thiểu không nhất thiết phải quy định mức tối đa; nghiên cứu đa dạng mức đóng và thời gian đóng; và có thể thụ hưởng theo nhu cầu, theo mức đóng. Như vậy sẽ tăng mức hấp dẫn của bảo hiểm tự nguyện và khuyến khích được người dân tham gia.
Liên quan đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm bắt buộc, ĐBQH Trần Thị Hiền cho biết, nhiều dự án, công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi nơi ít có nhà máy, công ty, ít có điều kiện để có thể có người lao động làm việc dài hạn. Khi triển khai, người sử dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ.
Mặc khác, việc tham gia cũng trên cơ sở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc giản đơn, lao động chân tay từ 3 - 6 tháng. Khi dự án, công trình kết thúc, người lao động lại quay về với công việc đồng áng và rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng bảo hiểm xã hội, kể cả tham gia tự nguyện.
Do đó, ĐBQH Trần Thị Hiền đề xuất ban soạn thảo cân nhắc quy định thêm một số điều kiện để cho phép trong một số trường hợp, người lao động được lựa chọn nhận tiền công bao gồm cả phần bảo hiểm xã hội để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.