Thử nghiệm có kiểm soát áp dụng cho một địa phương hay một lĩnh vực cụ thể?
Theo số liệu tham khảo, hiện trên thế giới có 73 nước có quy định về thử nghiệm có kiểm soát, tập trung công nghiệp, công nghệ số vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Vậy các nước quy định như thế nào? Ưu/ nhược điểm quy định của mỗi nước ra sao? Chúng ta đã có nghiên cứu tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm gì khi vận dụng xây dựng quy định này trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hay chưa? Các quy định như vậy giới hạn áp dụng cho một địa phương hay trong một lĩnh vực cụ thể?
Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về định nghĩa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; quy định về phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định, giới hạn không gian, thời gian, đối tượng... thủ tục có tính chất bao quát như luật chuyên ngành.
Quy định như vậy chỉ áp dụng cho Thủ đô hay có thể trở thành “mẫu” cho luật chuyên ngành về sau vì định nghĩa chung, thủ tục chung … không phản ánh đặc thù hay ưu tiên quyền hạn cho Thủ đô.
Như vậy quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dễ xung đột pháp luật chuyên ngành, quy định trước luật chuyên ngành khi chưa có nghiên cứu đầy đủ vì thực tiễn nước ta chưa làm; trong khi chưa có nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này và chưa có những giải trình rõ ràng.
Hiện nay, Chính phủ cũng mới dự thảo Nghị định áp dụng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng và chỉ quy định khái niệm về cơ chế, phạm vi, đối tượng... trong lĩnh vực này. Dự thảo này cũng mới đang lấy ý kiến, chưa có định nghĩa về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Như vậy dễ có xung đột khi Chính phủ xây dựng Nghị định thực hiện trong lĩnh vực cụ thể lại vướng khái niệm chung quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi), không bảo đảm tính thống nhất trong kỹ thuật lập pháp.
Theo quy định tại Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thì “Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm; về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác”. Quy định này cũng không rõ giới hạn vì có những lĩnh vực áp dụng liên quan tới quyền, lợi ích của công dân hay quyền con người, quyền bí mật đời tư... thuộc phạm vi Hiến pháp quy định thì sẽ xử lý như thế nào? Có chỗ còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể.
Quy định tại điểm 5, Điều 25:“HĐND Thành phố Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm”. Đây là quy định vượt thẩm quyền, nhất là đối với quy định của luật. Do đó, cần có các điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể mới được thực hiện, tránh áp dụng tùy tiện hoặc tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất mà nhiều lĩnh vực chỉ do Quốc hội quyết định bằng một đạo luật, chẳng hạn lĩnh vực thuế.
Với những điểm còn bất cập, chưa rõ nêu trên, đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 25 cho phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở nước ta theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù, không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở.
Cần chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường
Điều 28 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: "1. Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
2. Trên địa bàn Thành phố, nghiêm cấm lấn, chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường.
Việc san, lấp, cải tạo, phục hồi sông, hồ, ao, suối, đầm bị suy thoái, ô nhiễm môi trường phải phù hợp với quy hoạch đô thị, các quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.
3. Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có quyền hạn và trách nhiệm sau đây…".
Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh, xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những vi phạm từ đạo luật khác tác động đến môi trường như Quy hoạch, Giao thông, Chất thải…, phát triển khu dân cư, cơ sở sản xuất... gây ô nhiêm môi trường sống hay vấn đề vệ sinh môi trường kém, ý thức tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, môi sinh còn thấp, nhiều nơi tình trạng ô nhiễm nặng, nhếch nhác.
Vì vậy, đề nghị cần bổ sung quy định cho phép HĐND thành phố Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để mọi nơi, mọi lúc, kéo dài và thiếu ý thức, xem nhẹ vấn đề môi trường ở Thủ đô.
Nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời thì khó thực hiện được những việc khó như dịch chuyển cơ sơ sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm thành phố.