Đây là một giải pháp căn cơ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh - chủ đề đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên lựa chọn giám sát chuyên đề. Báo cáo giám sát chuyên đề bằng hình ảnh được trình chiếu tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 khai mạc sáng nay, 6.12,để HĐND tiếp tục xem xét, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát nội dung này, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi những kiến nghị sau giám sát.
Dứt điểm 19/19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Xác định kinh tế, xã hội và môi trường là ba trụ cột chính phát triển bền vững, phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội, những năm qua, cùng với duy trì nền kinh tế phát triển ổn định, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn, Đoàn giám sát HĐND tỉnh ghi nhậnnhững chuyển biến tích cực,bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công nhấn mạnh: công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp được quan tâm. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với khu, cụm công nghiệp được chú trọng đầu tư, trong đó 85,71% khu công nghiệp và 54,55% cụm công nghiệp đang hoạt động hoàn thành hồ sơ bảo vệ môi trường và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; 42,86% khu công nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định. Các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp cơ bản được phê duyệt hồ sơ bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống xử lý nước thải nội bộ, xử lý khí thải, thu gom và chuyển giao xử lý chất thải rắn theo quy định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được UBND các cấp, ngành tích cực thực hiện, đến nay đã xử lý dứt điểm 19/19 cơ sở (đạt 100%) được chỉ ra trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được quan tâm. Qua rà soát, có 121 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm, trong đó 117/121 (đạt 96,69%) cơ sở được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, 61/121 (đạt 50,41%) cơ sở được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường theo quy định.
Đoàn giám sát cũng ghi nhận việc lắp đặt, vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu môi trường, hiện đang được triển khai nâng cấp; tăng số lượng trạm quan trắc tự động, liên tục…
Ban hành các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý mạnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, mức độ quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở một số địa phương chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năng lực đội ngũ làm công tác quản lý môi trường ở một số địa phương còn hạn chế; nhất là cán bộ làm việc ở cấp xã còn hoạt động kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực môi trường. Công tác thanh, kiểm tra chuyên đề về bảo vệ môi trường mặc dù ở cấp tỉnh đã được quan tâm tăng cường nhưng một số huyện, thành phố số lượng các cuộc kiểm tra còn ít, chủ yếu giải quyết các vụ việc phát sinh, việc xử lý vi phạm có lúc còn chưa kịp thời. Một số cơ quan, địa phương chưa quan tâm, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hình thức xử phạt bổ sung buộc khắc phục hành vi vi phạm theo quy định. Một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận Nhân dân còn chậm được quan tâm giải quyết dứt điểm…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công cho biết: trên cơ sở phân tích nguyên nhân kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xem xét ban hành hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính thông qua kết quả quan trắc tự động; ban hành các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý mạnh đối với các trường hợp không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan chức năng; hướng dẫn việc áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung thay thế hình thức đình chỉ hoạt động đối với đối tượng vi phạm là chủ hạ tầng Khu công nghiệp, Khu dân cư, bệnh viện…
Đối với UBND tỉnh, cần nghiên cứu ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn theo hướng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, gây bức xúc trong Nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công nhấn mạnh đề nghị: UBND tỉnh rà soát, kiểm tra và có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc đã nêu tại báo cáo. Trong đó, nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kịp thời sàng lọc, loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, không phù hợp quy hoạch,không bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy chuẩn, không bảo đảm quỹ đất xây dựng công trình xử lý chất thải; tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án về xử lý môi trường, phát triển công nghệ môi trường, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thân thiện với môi trường...