Chuyển đổi số đưa pháp luật đến gần với người dân

Theo Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái, nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản lý, Sở đã tiên phong trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật và xây dựng một xã hội văn minh.

285158_vanchan-nang-caovdsfd (1).jpg
Cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Ảnh: Hồng Oanh

Trước đây, công tác tuyên truyền pháp luật chủ yếu dựa vào các hình thức truyền thống như hội nghị, tập huấn, phát tờ rơi… Mặc dù những hình thức này vẫn có vai trò quan trọng, nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi của người dân trong thời đại số. Nhận thức được điều đó, Sở Tư pháp Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều giải pháp sáng tạo để đưa pháp luật đến gần hơn với người dân.

Một trong những hoạt động nổi bật của Sở Tư pháp là xây dựng và phát triển các nền tảng trực tuyến như website, fanpage, ứng dụng di động để cung cấp thông tin pháp luật một cách đa dạng và sinh động. Người dân có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các luật, nghị định, quy định pháp luật liên quan đến cuộc sống của mình chỉ với một vài cú click chuột.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã thực hiện đăng tải hệ thống văn bản của Trung ương, của tỉnh, cập nhật thông tin tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên trang chủ, trang chuyên đề; mục hỏi đáp, đối thoại, giải đáp chính sách và trên Ứng dụng Công dân số Yen Bai-S. Trong 3 năm qua, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã biên soạn, cập nhật đăng tải gần 4.000 tin, bài, ảnh liên quan đến tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện 43 chương trình đối thoại, giải đáp chính sách tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật...

Các chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái tiếp tục được duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng, như các chuyên mục: "Thông tin chính sách pháp luật", "An ninh Yên Bái", "Quốc phòng toàn dân", "Công đoàn", "Nhà nước và pháp luật" trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; chuyên mục "An ninh trật tự", "Phòng, chống tham nhũng", "Phòng, chống ma túy", "An toàn giao thông" trên Báo Yên Bái.

Các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường trang bị mạng lưới truyền thanh cơ sở; xây dựng các bản tin và thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống truyền thanh cấp cơ sở; tuyên truyền, đưa tin các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện và chấp hành pháp luật, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật; tạo lập nhiều nhóm zalo, facebook... để trao đổi, cập nhật, quán triệt thông tin về các văn bản pháp luật mới.

Qua đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả, chất lượng; nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phong phú và nhiều đổi mới; nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc chấp hành pháp luật đã có chuyển biến căn bản, rõ rệt.

Bên cạnh đó, tận dụng những lợi thế đã có, như việc tổ chức hội nghị ở UBND xã đã có mạng Internet miễn phí, hay hầu hết người dân đã có điện thoại thông minh, Sở đã đưa ứng dụng công nghệ số trong công tác tổ chức hội nghị như điểm danh điện tử, phát tài liệu điện tử, đánh giá chất lượng hội nghị điện tử cũng mang lại hiệu quả tích cực. Số lượng người dân tiếp cận thông tin pháp luật đã tăng lên đáng kể.

Đồng thời, việc tương tác trực tuyến giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân cũng trở nên thuận tiện hơn, góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Sở Tư pháp cũng gặp phải một số khó khăn như một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; việc cập nhật thông tin pháp luật một cách liên tục đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính lớn.

Để khắc phục những khó khăn trên, Sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận thông tin pháp luật.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Cụ thể, Sở sẽ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin thông minh, tương tác, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng người dân; đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc.

Với những nỗ lực không ngừng, Sở Tư pháp đang góp phần xây dựng một xã hội pháp quyền; trong đó, mọi công dân đặc biệt là người dân vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn đều có cơ hội tiếp cận và hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tin tức

Quảng Bình: Bắt đối tượng lừa đảo chạy án, chiếm đoạt hơn 640 triệu đồng
Pháp luật

Quảng Bình: Bắt đối tượng lừa đảo chạy án, chiếm đoạt hơn 640 triệu đồng

Ngày 10.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trương Văn Bắt (SN 1988) trú tại xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi (Cà Mau); tạm trú tại phường 8, quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tội phạm ma túy trên tuyến Đông Bắc có dấu hiệu phức tạp trở lại
Pháp luật

Tội phạm ma túy trên tuyến Đông Bắc có dấu hiệu phức tạp trở lại

Trong khi tình hình tội phạm ma túy trên thế giới năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì trong nước, nhất là tuyến Đông Bắc, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy trên tuyến này cũng đang có dấu hiệu phức tạp trở lại... Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về kết quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy năm 2024 do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an) tổ chức sáng 20.12.