Khi ma túy là những viên kẹo bắt mắt
Trong năm 2020, Công an TP. Hà Nội đã phối hợp với các trường tổ chức 31 buổi tuyên truyền về nội dung liên quan đến ma túy cho hơn 15.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.
Ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp là môi trường học đường và bản thân các em học sinh, sinh viên. Đáng nói, hiện trên thị trường có hàng trăm loại ma túy đang lưu hành trái phép.
Ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe bản thân người sử dụng, làm hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại hệ lụy khôn lường cho giới trẻ. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, các đối tượng buôn bán ma túy có nhiều thủ đoạn lừa học sinh vào cảnh nghiện ngập. Rõ nhất là việc nhiều loại ma túy thế hệ mới được bào chế thành những viên kẹo bắt mắt hay được trộn vào bánh quy, đồ uống.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, hiện nay số người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 60% trong tổng số 235.000 người nghiện. Ma túy tổng hợp được nhiều tầng lớp, thành phần sử dụng, trong đó, lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm khoảng 70% thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn để lôi kéo người vào sử dụng ma túy tổng hợp. Đặc biệt, hiện đang xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, chưa có trong danh mục quản lý của Chính phủ. Nhiều đối tượng bị phê “ngáo đá” gây mất trật tự xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến học sinh sa ngã vào ma túy được cho là do tâm lý học sinh dễ bị kích động; chưa có bản lĩnh tự chủ trong cuộc sống, dễ bị rủ rê, lôi kéo và thiếu sự giám sát chặt chẽ của gia đình, nhà trường. Đầu tiên là tò mò "thử một lần cho biết", rồi lần 2, lần 3, dẫn đến lệ thuộc vào ma túy lúc nào không hay. Khi đã lệ thuộc vào ma túy, các em bị kẻ xấu sai khiến trộm cắp, trấn lột, thậm chí phạm tội hình sự để có tiền hút, chích.
Đánh giá về những hệ lụy sử dụng ma túy đối với giới trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, khi đã sử dụng ma túy, sự phát triển thể chất, tâm - sinh lý, trí tuệ, nhân cách của các em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng kể từ thời điểm các em dính vào ma túy, các em không chỉ không thể tiếp thu kiến thức mà còn bị hạn chế việc tiếp nhận rất nhiều kỹ năng cần thiết trong suốt cuộc đời về sau. Điều này đồng nghĩa với cơ hội hòa nhập cuộc sống, cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ rất hạn chế so với những người khác.
Phối hợp tuyên truyền về ma túy |
Nguồn: ITN
Trang bị kiến thức về tác hại của ma túy
Trước thực trạng này, trong nhiều năm nay việc phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những người làm công tác phòng, chống ma túy. Theo đó, để bảo vệ thế hệ trẻ, tránh xa khỏi tệ nạn ma túy, hàng năm, lực lượng công an các địa phương luôn quan tâm công tác tuyên truyền, phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng nghị quyết liên tịch phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cho học sinh, sinh viên và đoàn viên, thanh niên trong công tác phòng, chống ma túy.
Theo Bộ Công an, công tác tuyên truyền, phòng ngừa trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc tuyên truyền còn dàn trải và chưa có nhiều chương trình có tính chất chuyên đề, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ và chưa tập trung mạnh mẽ vào đối tượng có nguy cơ cao, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Nhiều thanh, thiếu niên khi bị bắt cho rằng ma túy tổng hợp không gây nghiện dẫn đến việc lạm dụng.
Từ thực tế này, để công tác phòng, chống ma túy trong trường học đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, nhà trường thì rất cần sự chung sức từ các gia đình trong việc quản lý, chăm lo giáo dục con em mình. Đặc biệt, phụ huynh cần quan tâm đến tâm sinh lý, các mối quan hệ bạn bè của con mình trong và ngoài nhà trường, nhất là chú ý giám sát việc sử dụng mạng xã hội; sẵn sàng tâm sự, chia sẻ, giúp các con nâng cao ý thức để phòng ngừa, tránh xa ma túy, góp phần tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho các con.
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an khuyến nghị, “Để phòng ngừa và hỗ trợ cai nghiện, các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy trường học. Cần tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao về tác hại của ma túy trường học. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị cho các em học sinh những kỹ năng, kiến thức cơ bản giúp các em chủ động tránh xa ma túy. Trên thực tế, khi các em chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy như khái niệm, các loại ma túy, tác hại của ma túy… sẽ dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác với những loại ma túy trá hình đang xuất hiện phổ biến trên thị trường".