Lực lượng lao động dồi dào
Dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê có thể thấy, nguồn nhân lực lao động tại Việt Nam vẫn tương đối dồi dào (lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II.2024 ước tính 52,5 triệu người) và duy trì mức tăng hàng năm. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28% trong năm 2024 tăng 1,9 lần trong 14 năm. Điều này cho thấy, nước ta đã chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng.
Cụ thể hơn, lao động có việc làm quý II.2024 ước tính 51,4 triệu người; tăng 126,6 nghìn người so quý trước và tăng 217,4 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 145,6 nghìn người so với quý trước và tăng 728,1 nghìn người so cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 19 nghìn người và giảm 510,7 nghìn người.
Tuy nhiên, quá trình xanh hóa nền kinh tế cũng đặt ra nhiều thách thức về trình độ và kỹ năng của người lao động; chất lượng nguồn cung lao động vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường; hơn 70% số lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Ngoài ra, tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn còn khá cao, chiếm 65% tổng lực lượng lao động (cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê), phản ánh thách thức lớn về chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với đó, số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý II.2024 lên tới 33,5 triệu người, chiếm 65,2% tổng số lao động có việc làm và tăng 271,7 nghìn người so quý trước và tăng 210,3 nghìn người so cùng kỳ năm trước.
Đa dạng về chính sách hỗ trợ đào tạo
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940,5 nghìn người, tăng 27,3 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,05%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,37%, giảm 0,12 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,49%, tăng 0,17 điểm phần trăm.
Theo cơ quan thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27% nhưng số người tham gia đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề lại khá thấp. Điều này diễn ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là những thành phố tập trung nhiều lao động.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nguyên nhân là nhiều người lao động muốn nhanh chóng kiếm việc làm để có thu nhập, mà ít quan tâm đến các khóa đào tạo nghề miễn phí. Những người không tham gia học nghề là bởi họ chưa có định hướng nghề nghiệp khi thất nghiệp, hoặc có nhiều cơ hội tìm việc làm mới.
Còn với những người lao động ở khu vực nông thôn thì khó sắp xếp được nhiều ngày đi học trực tiếp ở lớp. Không có kinh phí học nghề, lớp học ở xa, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lao động (đa số là trụ cột gia đình) không học nghề ngắn hạn.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng còn thấp, nhiều khi không đủ bù đắp chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt của lao động tham gia học nghề…
Hiện, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng dự kiến bổ sung thêm chế độ, để hỗ trợ cho lao động tham gia học nghề. Góp ý về nội dung này, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu đề xuất hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn trưa cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề.
Theo bà Liễu, đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở nhiều địa phương khác nhau. Song, nhiều người nhận thấy, ngành nghề đào tạo tại Hà Nội hấp dẫn và quyết định đến đây học nghề. Qua ghi nhận ý kiến của nhiều người lao động, họ mong mỏi được hỗ trợ thêm để giảm bớt khó khăn bởi người thất nghiệp là thiệt thòi rất lớn; số tiền trợ cấp họ nhận được chỉ bằng 60% mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Từ thực tế cơ sở đào tạo, ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội cho rằng, cần xác định được nghề đào tạo phù hợp với định hướng của người lao động cũng như bảo đảm điều kiện, thời gian. Thực tế, có những quy định quá cứng nhắc trong việc học nghề, như phải học tập trung tại lớp vào các ngày trong tuần, khiến người lao động không thể tham gia, do họ phải đi làm việc tạm thời để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Do đó, ông Vinh cho rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm cần xây dựng chương trình đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với đối tượng; có thể đào tạo trực tuyến những nghề như kế toán, bán hàng online, công nghệ thông tin..., để người học không phải đến lớp học tập trung trong thời gian từ 3 - 6 tháng.