Trong chiều nay, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp và công tác tổ chức nghiên cứu chuyên đề liên quan đến một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Phát huy vai trò là cơ quan nghiên cứu về khoa học lập pháp
Báo cáo tại cuộc làm việc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, sau khi có Nghị quyết 05, Viện Nghiên cứu lập pháp đã cơ bản cơ cấu lại tổ chức, bộ máy bên trong và và tập trung triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Sau 9 tháng đi vào hoạt động cho thấy chủ trương tái cấu trúc bộ máy bên trong của Viện theo Nghị quyết số 05 là hết sức đúng đắn và phù hợp. Các đơn vị đã phát huy tốt vai trò, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo lĩnh vực, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về khối lượng và chất lượng công tác tham mưu, phục vụ theo hướng chuyên sâu.
Đặc biệt, về nhiệm vụ nghiên cứu các chuyên đề phục vụ công tác lập pháp của Quốc hội, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức 25 hội thảo, tọa đàm, trong đó có 15 hội thảo, tọa đàm về các dự án Luật trình Quốc hội; nghiên cứu, cung cấp 22 chuyên đề, tài liệu phục vụ các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Viện đang đi đúng định hướng, ngày càng phát huy được vai trò là cơ quan nghiên cứu về khoa học lập pháp và thông tin lập pháp; tham gia tích cực, chủ động, từ sớm, từ xa phục vụ công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từng bước tham gia có hiệu quả với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong các khâu của quy trình xây dựng pháp luật... Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp mong muốn, trong thời gian tới, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban sẽ chủ động “đặt hàng”, phối hợp chặt chẽ với Viện để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ công tác lập pháp của Quốc hội.
Chủ động lấy ý kiến chuyên gia về dự luật khó, nội dung còn ý kiến khác nhau
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đạt được của Viện Nghiên cứu lập pháp sau 9 tháng thực hiện Nghị quyết 05 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này cho thấy Nghị quyết đã được ban hành kịp thời, đúng, trúng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Trong đó, một điểm sáng được Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao là các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác lập pháp đã được Viện Nghiên cứu lập pháp đẩy mạnh, thu hút được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học tham gia, đóng góp thiết thực cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội là rất lớn, khối lượng công việc rất nhiều trong khi thời gian rất khẩn trương. Tại Kỳ họp thứ Tư tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật và sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật gồm: dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Giá (sửa đổi), trong đó có dự luật rất khó, rất phức tạp như dự luật Đất đai (sửa đổi).
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Viện Nghiên cứu lập pháp sớm hoàn thành các kế hoạch và chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu chuyên đề, các toạ đàm, hội thảo đóng góp ý kiến về từng dự án luật để cung cấp thêm các thông tin, luận cứ khoa học về các dự án Luật nêu trên cho đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội.
Tại cuộc làm việc, gợi mở các nội dung cụ thể Viện Nghiên cứu lập pháp cần chủ động tổ chức các hoạt động nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, không chỉ các dự luật trình Quốc hội lần đầu mà ngay cả 6 dự án Luật đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua thì hiện cũng còn những nội dung quan trọng có ý kiến khác nhau.
Đơn cử như với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), kỳ vọng, sự mong đợi của ngành y tế, của cử tri và nhân dân là rất lớn, nên Viện Nghiên cứu lập pháp cần phối hợp với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung một chương về cơ chế tài chính của cơ sở khám chữa bệnh, từ đó rút kinh nghiệm cho các lĩnh vực khác.
Hay việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp cần nghiên cứu, đóng góp ý kiến về các nội dung cần cải tiến, đổi mới trước khi trình Hội nghị đại biểu chuyên trách và Quốc hội xem xét thông qua. Hay liên quan đến sửa đổi, bổ sung hai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, Viện Nghiên cứu lập pháp cần cung cấp thêm cơ sở pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp tháng 9 tới.
“Mọi quyết sách của Quốc hội đều phải dựa trên các căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học, thực tiễn, các kết quả nghiên cứu cụ thể”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội tạo điều kiện cho Viện Nghiên cứu lập pháp; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Viện trong quá trình hoạt động. Cùng với đó, cần tiếp tục chú trọng tăng cường năng lực cho Viện Nghiên cứu lập pháp; huy động mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức, chuyên gia nước ngoài...