Trong khuôn khổ chuyến công tác tại một số tỉnh miền Trung, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã tới thăm, làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.
Cùng dự còn có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phạm Thuý Chinh; Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

Hoàn thành vượt kế hoạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã nghe Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng; Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương báo cáo cụ thể về kết quả hoạt động của PVN và BSR thời gian qua và nêu một số đề xuất, kiến nghị gửi đến các bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, PVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra đối với các chỉ tiêu sản xuất quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia; các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp rất quan trọng vào ngân sách nhà nước, đã hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách cả năm 2022 với 66,1 nghìn tỷ đồng; các dự án trọng điểm dầu khí tích cực được triển khai và bước đầu đạt kết quả nhất định, vừa qua đã khánh thành Nhà máy Điện Sông Hậu 1, dự án Nhà máy điện Thái Bình 2 đang từng bước hoàn thiện...
Công ty BSR được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12.1997 với tổng số vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, công suất thiết kế là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, sản phẩm chính là Mogas 92/95, diesel, JET A1, FO, LPG, Propylene, Polypropylene. Sau 12 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 80 triệu tấn sản phẩm; đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 195.000 tỷ đồng; cung cấp việc làm ổn định cho hơn 1.500 người lao động (trong đó, 52% người lao động là người Quảng Ngãi và trên 82% người lao động đến từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên); đóng góp khoảng hơn 250 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội trong cả nước và tỉnh Quảng Ngãi…
BSR đã tận dụng cơ hội crack-margin của sản phẩm tốt (tốt nhất trong lịch sử lọc dầu) để duy trì Nhà máy vận hành an toàn, liên tục, ổn định và hiệu quả ở công suất tối ưu. Trong 5 tháng đầu năm nay, các chỉ số sản xuất kinh doanh chính của Công ty đều vượt kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.764 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch được giao. Cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy lọc dầu Qung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” thực hiện từ 2015-2019 đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ. Đầu năm nay, BSR được vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ xuất sắc hàng đầu do Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức...

Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan đã trao đổi cụ thể về các kiến nghị của PVN và BSR như: ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thúc đẩy đầu tư các dự án phát triển hoá dầu, chuyển dịch năng lượng, sản xuất năng lượng xanh; điều chỉnh chính sách pháp lệnh dự trữ quốc gia về dầu thô, sản phẩm phù hợp với tình hình mới; sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đầu tư, xây dựng nhằm rút ngắn thời gian triển khai các dự án trong lĩnh vực đầu tư liên quan đến phát triển hoá dầu, chuyển dịch năng lượng; ưu tiên các nguồn nguyên liệu dầu khí trong nước cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm bảo đảm vận hành liên tục, ổn định, đặc biệt trong giai đoạn thị trường có sự biến động lớn như hiện nay nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; có chính sách hỗ trợ BSR thực hiện nhiệm vụ kép về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh...


Tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, phát triển chuỗi giá trị dầu khí
Qua đi khảo sát thực tế tại BSR và các ý kiến tại cuộc làm việc, phát biểu kết luận, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích đã đạt được của PVN, BSR cùng toàn thể người lao động ngành dầu khí.

Theo Chủ tịch Quốc hội, PVN đã ngày càng khẳng định vị thế, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; đóng góp lớn cho NSNN và cho sự phát triển kinh tế - đối ngoại của quốc gia, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế; đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Với BSR, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận kể từ khi thành lập 9.5.2008, luôn là “anh cả đỏ” của ngành dầu khí, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để vươn lên mạnh mẽ, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Nhấn mạnh các kết quả hoạt động vừa qua đã chứng minh việc đầu tư nhà máy lọc dầu Dung Quất là chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức của PVN và BSR hiện nay và trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo, PVN cần tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 41- NQ/TW ngày 23.7.2015 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1748, 1749/QĐ-TTg ngày 14.10.2015.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị PVN triển khai đồng bộ Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực đã được đầu tư cũng như hình thành hệ sinh thái, phát triển chuỗi giá trị dầu khí nhằm tăng khả năng cạnh tranh, từng bước khẳng định vị thế của Petrovietnam trên trường quốc tế. Tiếp tục tập trung đổi mới, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp trên cơ sở xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi số, đảm bảo phù hợp với đặc thù ngành dầu khí với trình độ kỹ thuật cao và mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Tập trung các nguồn lực đầu tư cho các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án cấp bách, trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Quyết liệt xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ, tồn đọng kéo dài...

Đối với BSR, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung công tác quản trị rủi ro, quản trị tài chính; đánh giá toàn diện tác động của việc thay đổi cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về chất lượng khí thải để kịp thời có các nghiên cứu, điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, nhất là trong điều kiện nước ta đang triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 về chuyển đổi năng lượng, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Bên cạnh đó, có định hướng giữ thị phần lọc dầu và từng bước chuyển hướng phù hợp sang sản phẩm hóa dầu; chủ động phương án tài chính.
Cùng với đó cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất, tính toán để kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược. Phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ngãi và Ban Kinh tế Trung ương trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ, đánh giá thấu đáo đề xuất hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia tại Dung Quất. Nâng cao năng lực và tăng cường ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để góp phần nâng cao năng suất lao động, mức độ an toàn, tin cậy thiết bị/vận hành của Nhà máy, chất lượng sản phẩm; giảm chi phí sản xuất; nâng cao đời sống của người lao động.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động ngành dầu khí cũng như thích ứng với biến động của tình hình thế giới và xu hướng dịch chuyển năng lượng ngày càng nhanh. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư tới nhằm tạo hành lang pháp lý phát triển ngành dầu khí trong tình hình mới.

Ghi nhận các kiến nghị của PVN và BSR, Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng như các Luật Luật Thuế, Luật Ngân sách Nhà nước... sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp các kiến nghị của BSR chuyển đến Chính phủ, các Bộ, cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho PVN nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.


Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã trao quà tặng cán bộ, người lao động của Công ty BSR là con thương binh, liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng.