Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết thấy vùng bụng to lên bất thường, nghĩ do sinh hoạt tăng cân nên không đi khám, khi vùng bụng ngày càng to lên thì mới đi siêu âm tại bệnh viện địa phương, kết quả phát hiện khối u rất lớn trong bụng và được bác sỹ đề nghị chuyển đến Bệnh viện K.
Tại đây, ngay lập tức bệnh nhân đươc làm các xét nghiệm cần thiết, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm máu,... phát hiện có khối u đặc chiếm toàn bộ ổ bụng, kích thước khoảng 40cm. Kết quả chẩn đoán ban đầu: U sarcoma mô mềm.
Trước khi thực hiện, ca bệnh được hội chẩn, thông qua mổ với các phương án dự phòng trong và sau mổ cho người bệnh. Các bác sỹ khoa Ngoại bụng I đã có sự phối hợp chặt chẽ với chuyên khoa Ngoại tiết niệu để bàn luận, trao đổi.
ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng I - Bệnh viện K chia sẻ, người bệnh nhập viện trong tình trạng u quá lớn, chiếm toàn bộ ổ bụng gây nên khó chịu, kèm theo khó thở. Nguyên nhân do u chèn ép lên các tạng như gan, tụy, bàng quang, đại trực tràng,...
Sarcoma mô mềm là một loại ung thư ác tính, có nguồn gốc trong các mô mềm của cơ thể ( bao gồm cơ, gân, mỡ, bạch huyết, mạch máu và dây thần kinh). Những bệnh ung thư này có thể phát triển bất cứ nơi nào trong cơ thể nhưng được tìm thấy chủ yếu ở ngực và bụng.
Trường hợp bệnh nhân K do tổn thương quá to, nếu không mổ được, u sẽ gây cản trở hoạt động của các cơ quan khác trong ổ bụng, chèn ép tạng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khoẻ. Thậm chí sinh mạng của người bệnh, nếu không phẫu thuật sẽ không có biện pháp nào khả thi hơn để điều trị.
Theo đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K và ekip phẫu thuật là các bác sỹ chuyên khoa tiêu hoá, tiết niệu Bệnh viện K gồm: ThS.BS CKII Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng I; ThS.BS CKII.Nguyễn Việt Dũng - Phó trưởng khoa Ngoại tiết niệu đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Đánh giá các khó khăn trong mổ, bác sỹ Hà Hải Nam cho biết: “ U lớn chiếm toàn ổ bụng, tiên lượng ban đầu có thể phải cắt thận thì mới có thể cắt được trọn vẹn khối u, đề phòng u tái phát nhanh. Để loại bỏ khối u này chúng tôi thảo luận kỹ vấn đề kiểm soát mất máu trong mổ và đặc biệt khả năng biến chứng suy tim bởi u kích thước quá lớn nên sau khi loại bỏ, thì máu sẽ được bơm về tim khá nhiều, tâm nhĩ giãn ra, có thể dẫn đến suy tim. Ca bệnh được cân nhắc rất cẩn trọng, dù có nhiều thách thức nhưng vẫn cần phải thực hiện”.
Ca mổ diễn ra thành công. Bệnh nhân được truyền 3 đơn vị máu, điều chỉnh huyết động ổn định trong 72h sau mổ. Với sự chuẩn bị kỹ càng, ekip đã phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u 8kg, bảo tồn thận cho người bệnh, cắt 1 phần niệu quản và sau đó nối lại thành công.
Hiện, người bệnh được chuyển về khoa Ngoại bụng I của bệnh viện để theo dõi và tiếp tục điều trị.